Bạo lực học đường đang là một vấn nạn xã hội trong môi trường học đường mà ở mọi quốc gia trên thế giới đang đặt nhiều sự quan tâm và đang lên án bởi những hậu quả nghiêm trọng và đau xót mà nó mang lại. Vậy bạo lực học đường là gì? Nguyên nhân và các giải pháp?
Mục lục bài viết
1. Bạo lực học đường là gì?
Để có cái nhìn rõ ràng hơn về “Bạo lực học đường” chúng ta sẽ đi tìm hiểu đôi chút về vấn đề bạo lực là gì và học đường là gì?
Bạo lực là việc sử dụng sức mạnh thể chất để thực hiện hành vi như: Đánh đập thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm,… tác động đến thân thể của một người khiến họ bị tổn thương về mặt thể chất và tinh thần.
Học đường là môi trường, không gian sinh hoạt, học tập của các đối tượng là học sinh, sinh viên. Tại đây học sinh, sinh viên sẽ được nhà trường đào tạo, giảng dạy những kiến thức văn hóa xã hội và rèn luyện thể lực,… để trở thành một người có ích cho xã hội.
Từ hai khái niệm trên ta có thể hiểu Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học mà đối tượng gánh chịu chủ yếu là các học sinh và sinh viên.
Một số hành vi bạo lực học đường phổ biến bao gồm:
– Hình vi đánh nhau giữa học sinh với học sinh với nhau, mang vũ khí đến trường hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường;
– Bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói;
– Bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục mà đối tượng gánh chịu là học sinh, sinh viên;
– Cách hình vi khác.
Tham khảo một vài mẫu văn nghị luận tại: Mẫu nghị luận về vấn đề bạo lực học đường chọn lọc hay nhất
2. Thực trạng của bạo lực học đường hiện nay tại Việt Nam:
Hiện nay theo thống kê của các nhà nghiên cứu thì Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ bạo lực học đường và đang có dấu hiệu gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những vụ bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng về mức độ nguy hiểm của nó.
Đáng chú ỳ là những hành vi bạo lực học đường chủ yếu bắt nguồn từ những xô xát rất nhỏ nhặt nhưng lại trở thành nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ xuất hiện ở một cá nhân, một trường hợp mà đã lan rộng đến môi trường của nhiều trường học và mọi nơi từ nông thôn cho đến thành thị.
Về đối tượng của bạo lực học đường cũng có sự đa dạng và phức tạp, diễn ra tại các cấp bậc từ tiểu học cho đến đại học. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở những đối tượng là nam giới mà còn cả ở nữ giới (Đặc biệt đối với cấp bậc THCS và THPT) ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.
Theo một số thông tin, dữ liệu của Bộ giáo dục và đào tạo, trung bình chỉ trong khoảng thời gian một năm học xuất hiện khoảng 1600 vụ bạo lực học đường trong phạm vi trong và ở ngoài nhà trường. Theo thống kê này thì cứ khoảng 5200 học sinh thì lại có 1 vụ đánh nhau và khoảng 11000 học sinh lại có một em phải nghỉ học vì đánh nhau.
Trong đó thì có hơn 75% các trường hợp bạo lực có đối tượng là ở học sinh và sinh viên. Hiện nay thì tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Ở Việt Nam bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau tác động đến thể chất mà còn nhiều hành vi tấn công về mặt tinh thần như hâm dọa, chửi rủa,…. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển hoàn chỉnh của học sinh sau này.
3. Hậu quả của bạo lực học đường:
* Ảnh hưởng đến bản thân học sinh:
Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác, nhẹ nhàng là những thương tích chân tay, mặt mũi. Đáng nói hơn khi không ít vụ bạo lực đã lấy đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.
Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, tự ti, chán nản, lo âu, cô lập, suy sụp, mặc cảm… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành. Và hầu hết các em đều khó chia sẻ với phụ huynh, thầy cô vì những áp lực từ sự đe doạ của bạo lực học đường.
Chính bản thân các em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy e dè, sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.
Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Hậu quả tồi tệ hơn có thể khiến học sinh đó dừng việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đình chỉ việc học. Từ đó, tương lai của các em bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Đặc biệt, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có nguy cơ tiềm ẩn mắc phải những hành vi tội ác hay những tệ nạn nhiều hơn những đứa trẻ khác.
* Ảnh hưởng đến gia đình: Dù là gia đình học sinh bị bạo lực hay phụ huynh của học sinh gây ra hành vi bạo lực đều gặp phải không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm hại thân thể, tinh thần hay không; bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh cũng có thể đánh nhau. Nhiều gia đình phải chuyển trường cho con, chuyển nơi ở để cho con một môi trường “an toàn” hơn.
* Ảnh hưởng đến nhà trường:
Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến những học sinh khác trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Mặc dù vậy, bạo hành học đường không chỉ được thể hiện ở ẩu đả, đánh nhau, mà nó cũng bao gồm cả sự bạo hành về mặt tinh thần. Một số học sinh còn bị tấn công về mặt tinh thần, gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các em.
Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm giảm đi sự tín nhiệm của phụ huynh tới nhà trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng.
* Ảnh hưởng đến xã hội:
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nét văn hóa truyền thống trong học đường, những chuẩn mực đạo đức quý giá: Giờ đây có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, cô giáo, văng tục chửi bậy, thiếu tôn trọng thầy cô, đòi hỏi sự công bằng tự chủ ngang hàng không hợp lý. Con cái cãi lại bố mẹ vì những thói hư học được từ một bộ phận bạo lực.
Bạn bè đánh đấm, xảy ra khá thường xuyên. Mỗi ngày đều có những vụ ẩu đả, đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học hay những bài đăng chửi bới xúc phạm và bôi nhọ danh dự nhân phẩm nhau trên mạng xã hội… Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động, làm mất trật tự xã hội.
Hậu quả pháp lý hành vi bạo lực học đường phải đối mặt xem tại: Xử lý hành vi bạo lực học đường? Có bị xử lý hình sự không?
4. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường:
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường từ chủ quan đến khách quan. Cụ thể:
4.1. Từ phía học sinh:
Học sinh chủ yếu là những đối tượng từ 12 – 17 tuổi đang trong quá trình học tập và biến đổi về thể chất, mặt tâm sinh lý; trong giai đoạn này sẽ hình thành nên tính cách của con người. Đây cũng là giai đoạn mà đòi hỏi nhà trường và gia đình có các biện pháp bảo vệ trẻ từ các yếu tố độc hại bên ngoài bởi khi trong giai đoạn này các em sẽ là đối tượng mà các thế lực tiêu cực trong xã hội nhắm đến.
Trong giai đoạn này khi trẻ chịu sự tác động, kích thích từ các nhân tố độc hại và các đối tượng xấu trong xã hội, môi trường xung quanh của trẻ sẽ khiến các em học theo, hình thành lên tâm lý thích bắt nạt bạn bè, dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường tại nhà trường. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ở Việt Nam.
4.2. Từ phía nhà trường:
Nhà trường có nhiệm vụ chính là giáo dục và đào tạo giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng, hình thành lên tính cách và thái độ của hình sinh, sinh viên; chính vì vậy khi nhà trường có chương trình đào đạo không hợp lý không phát huy được các điều kiện cần đáp ứng của một tổ chức giáo dục con người sẽ là một trong nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra các mặt tiêu cực trong nhà trường.
Ngày nay giáo dục của nhà trường còn nặng về các kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn” chưa có nhiều sự kết hợp với giáo dục pháp luật, các chương trình thực tế đưa trẻ tham gia vào các hoạt động có ích cho xã hội. Mặt khác cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một phần trái của xã hội đã đẩy ngã những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo.
4.3. Từ phía gia đình:
Nếu nhà trường đặc đánh giá là một thiết chế giáo dục con người ở vị trí thứ hai thì vị trí thứ nhất không phải thiết chế nào khác là của thiết chế gia đình. Trong môi trường gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động vào tâm lý hình thành lên các cư xử của trẻ giúp trẻ phân biệt được các điều có lợi và có hại khi thực hiện hành vi, biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, tôn trọng người nhiều tuổi hơn mình và giúp đỡ, che chở ngoài nhỏ tuổi, yếu thế hơn mình,…
Tuy nhiên hiện nay thay vì lựa chọn các hình thức giao dục nhẹ nhàng thì các bậc phụ huynh loại thường nặng lời quát tháo, thậm chí dùng tác động vật lý lên trẻ để giáo dục con cái cũng dễ dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường.
Một yếu tố cần được quan tâm nữa đó là cùng với sự phát triển của xã hội, các bậc phụ huynh thường chạy đua theo các lợi ích của xã hội mà quên mất việc dành tình cảm đến con người; do ít được cha, mẹ quan tâm lên trẻ thường thiếu thốn tình cảm dẫn đến không hình thành hoàn chỉnh tính cách tích cực cho bản thân
Ngoài ra còn nhiều trường hợp phụ huynh bị stress trong công việc và trong cuộc sống và xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình, hoặc bạo hành ngay trước mặt con trẻ những vụ bạo hành gia đình như này cũng không phải là chuyện hiếm gặp.
Chính những hành động như này của bố mẹ lại ảnh hưởng sâu sắc theo chiều hướng tiêu cực đến con cái. Đáng buồn hơn nữa tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng trong một xã hội đang ngày càng phát triển hiện đại.
Cấp II và cấp III là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến những vụ bạo lực học đường.
4.4. Từ phía xã hội:
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ở trên thì các yếu tố của xã hội cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động trực tiếp gây ra tình trạng bạo lực học đường
Đây là những yếu tố chịu ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như trong các bộ phim bạo lực cấm trẻ em dưới 18 tuổi, sách báo, game điện tử chứa nhiều hành vi bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng..),…
Đây đều là những yếu tố đang thu hút rất nhiều trẻ em tham gia, bởi nó đang được phát tán công khai trên các trang mạng xã hội, cửa hàng,…mà khi trẻ tiếp cận sẽ ảnh hưởng khá lớn đến quá trình hình thành tâm lý ở hiện tại và trong tương lai.
5. Giải pháp phòng tránh tình trạng bạo lực học đường:
Đối với học sinh:
– Để phòng, tránh, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì học sinh, sinh viên cần tích cực rèn luyện văn hóa sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.
– Học sinh cần phải nghiêm chỉnh Chấp hành tốt nội quy của nhà trường và lớp học.
– Học sinh cần tránh xa các nhân tố bạo lực trong môi trường xung quanh.
– Học sinh nên học cách kiềm chế cảm xúc để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng không đáng có.
– Học sinh nên tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.
Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục:
– Nhà trường và đội ngũ giáo viên cần tích cực hoàn thiện chương trình đào tạo và đưa bộ môn giảng dạy kỹ năng sống vào chương trình giáo dục
– Nhà trường cần phải tổ chức nhiều hoạt động rèn luyện, thi đua thể thao tại sân trường hay các chương trình tình nguyện đem lại giá trị cho xã hội để học sinh, sinh viên tham gia.
– Nhà trường cần có những hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực, và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực.
– Nhà trường nên phối hợp với bộ phận công an tổ chức nhiều buổi tọa đàm, truyền đạt các kiến thức về bạo lực học đường và các phòng tránh
Đối với giáo viên:
– Đội ngũ giáo viên cần phải thường xuyên theo dõi, quan tâm và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.
– Có biện pháp can thiệp kịp thời đến các nhân tố xấu của thế giới bên ngoài và trong nhà trường có thể tác động xấu đến học sinh, sinh viên của mình quản lý.
– Tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng lành mạnh cho trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
– Tích cực tham gia, phối hợp với gia đình và nhà trường để giúp việc quản lý và giáo dục học sinh để có thể quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn mà học sinh gặp phải.
Đối với gia đình:
– Trong môi trường gia đình các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đến trẻ và nên dành thời gian giáo dục, dạy bảo trẻ để trẻ có sự cảm nhận từ tình cảm của người thân tạo một môi trường sống lành mạnh.
– Bố, mẹ nên hạn chế các hành vi bạo lực gia đình trước mặt trẻ.
– Đồng thời gia đình nên có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.