Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp về nhiều mặt văn hóa, bao gồm kiến trúc, ẩm thực, tôn giáo, thời trang và nghệ thuật. Ngay cả sau cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai, những ảnh hưởng đó vẫn còn. Cùng bài viết tìm hiểu thêm về phong cách thiết kế nội thất Đông Dương.
Mục lục bài viết
1. Phong cách thiết kế nội thất Đông Dương là gì?
Phong cách Đông Dương là một cách thiết kế được hình thành trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, những năm cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20, khi đế quốc Pháp tiến hành thực dân hóa các nước thuộc địa trong khu vực Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) để hình thành Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Nói cách khách, “Phong cách Đông Dương” là Phong cách do người Pháp tạo ra khi kết hợp với phong cách kiến trúc Pháp với phong cách kiến trúc và văn hóa của nước bản địa tại khu vực Đông Dương.
Phong cách Đông Dương là sự hợp nhất tinh tế và đặc sắc giữa hai nền văn hóa Đông và Tây hoàn toàn khác nhau. Những sự kết hợp đó đã tạo ra một phong cách mới, một phong cách phù hợp với triết lý, quan điểm mỹ thuật truyền thống, văn hóa và cảnh quan của các nước thuộc địa.
Phong cách Đông Dương ra đời tại phương Đông nơi có hai nền văn minh lớn của nhân loại là Trung Quốc, Ấn Độ. Các nước thuộc địa Đông Dương đều bị ảnh hưởng và chi phối nhiều bởi hai nền văn minh này. Nên phong cách Đông Dương là một sự hợp nhất có hơi hướng văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ.
Phong cách Đông Dương là sự hợp nhất của kiến trúc Pháp với văn hóa và kiến trúc bản địa. Mỗi nước trong khu vực Đông Dương lại đem những đặc trưng của dân tộc kết hợp với phong cách Pháp để tạo ra một phong cách Đông Dương đặc trưng riêng cho mỗi nước.
2. Ảnh hưởng của phong cách Đông Dương tới thiết kế nội thất Việt Nam:
Phong cách thiết kế nội thất Đông Dương chính là một thành phần của phong cách Đông Dương. Nó thể hiện cách thiết kế trong nhà theo phong cách Đông Dương.
Giai đoạn đầu, các công trình phục vụ cho người Pháp, nên nội thất và các trang thiết bị đều mang phong cách sống Pháp.
Giai đoạn sau, phong cách Pháp được “nhiệt đới hóa” bởi sắc thái bản địa khí hậu, nghệ thuật trang trí tinh xảo ở các kiến trúc cổ, sản phẩm mỹ nghệ và hình thành một sự gặp gỡ, pha trộn.
Nội thất truyền thống Việt Nam đơn giản, mộc mạc, các trang thiết bị chính chỉ phục vụ nhu cầu thiết thực: giường, phản thay cho bàn ghế, chõng. Tầng lớp tư sản và tiểu thị dân bị ảnh hưởng từ Trung Quốc, nên nội chất đậm chất phô trương, cầu kì, trang trí nhiều hơn là tính công năng: tường tô vẽ, tủ chè và bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, bình gốm sứ Trung Hoa, hoành phi câu đối sơn son thếp vàng…. Phong cách Đông Dương giai đoạn đầu phục vụ tư sản, tiểu thị dân nên bị ảnh hưởng bởi phong cách này. Hiện nay, phong cách Đông Dương chọn lọc những motifs trang trí và thể hiện đậm chất truyền thống Việt cổ, đơn giản và tinh tế, những motifs cầy kỳ chỉ thấy ở những điểm nhấn trong công trình và các trang thiết bị nội thất.
Phong cách Đông Dương, ngoài vấn đề thẩm mỹ, còn đáp ứng và phù hợp với tập quán sinh hoạt và khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm ở Việt Nam; từ cách sử dụng màu sắc, cách sử dụng vật liệu, hình dáng các trang thiết bị…
Phong cách thiết kế nội thất Đông Dương tiếng Anh là Indochinese interior design style.
3. Nét đặc trưng của phong cách thiết kế nội thất Đông Dương:
* Màu sắc: Sử dụng những tone màu trung tính: vàng nhạt, vàng kem, trắng để tạo cảm giác mát mẻ phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Không gian nội thất là sự kết hợp giữa tone màu trung tính và màu sắc của đồ gỗ, đồ mây tre nên gợi được chất Á Đông.
Màu vàng thường xuất hiện trong các không gian nội thất phong cách Đông Dương, là màu được người Á Đông ưa chuộng, đã được sử dụng nhiều trong các không gian truyền thống, màu vàng tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên và tạo ra sự ấm áp.
Một số không gian cũng sử dụng màu sắc nhiệt đới ấm, nóng tạo ấn tượng mạnh như mày đỏ, màu tím, màu vàng cam….
* Vật liệu:
Gỗ với tính chất mềm, bền, chắc. Gỗ tạo được cảm giác sang trọng và được ưa chuộng. Gỗ là vật liệu chính trong các công trình: hệ khung kết cầu và console của mái ngói, hệ thống cửa, lát sản và trần nhà, trang thiết bị, chi tiết trang trí, tượng tròn, phù điêu,…
Tre: chống mối mọt, dẻo, độ bền cao. Trong phong cách Đông Dương, mây tre được sử dụng làm trang thiết bị, đồ trang trí những tấm vách ngăn,… vì độ dẻo của nó dễ tạo những hình mềm mại, đẹp.
Gạch bông: Có nguồn gốc từ Pháp, được làm bằng xi-măng, được trang trí bằng các motif hoa văn đơn giản, mềm mại, tinh tế và trang nhã. Gạch bông đa dạng về màu sắc và mẫu mã. Sử dụng để lát nền, tạo nên vẻ sang trọng, sự ấn tượng và đầy tính nghệ thuật cho công trình. Đây là nét đặc trưng riêng của phong cách Đông Dương trong nội thất. Gạch bông có độ bền cao, càng sử dụng càng sáng bóng, làm mát trong nhà mùa hè. Hiện nay gạch bông đang bị thay thế bằng gỗ lát sàn.
Gạch nung: Được làm từ đất (đất sét), nung qua lửa ở nhiệt độ cao để tạo ra thành phẩm. Ở miền Trung và Duyên hải, ảnh hưởng văn hóa Chăm, sử dụng loại gạch nung đặc biệt: đá trọng vữa vôi và cát hoặc vôi với mật đường mía. Gạch nung có độ bền cao, thích hợp với khí hậu Việt Nam: làm mát nhà vào mùa hè, giữ nhiệt vào mùa đông. Gạch nung là một phần của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Gạch nung có vẻ đẹp thô mộc và màu sắc tự nhiên đẹp, được sử dụng trong nội thất để trang trí các mảng tường, lát nền hoặc làm các vật dụng trang trí từ gạch nung.
* Họa tiết, hoa văn
Yếu tố mĩ thuật truyền thống Việt Nam được thể hiện rõ trong các hoa văn, họa tiết và tạo ra những đặc trưng riêng của phong cách Đông Dương tại Việt Nam. Hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam thời Đông sơn với những đường nét kỷ hà đơn giản cách điệu từ hoa lá, cách thể hiện tỉ mỉ và chi tiết.
Thời An Nam, hoa văn họa tiết được tổng hợp lại và được cách điệu từ những hình ảnh khác: hình kỷ hả, hình chữ, hình cậy, hình hoa, hình tĩnh vật,… với đường nét và cách thể hiện phong phú hơn. Những hoa văn, họa tiết này được ứng dụng để xử lý các chi tiết sàn, trần, tường, các vách ngăn, vật dụng trang trí, trang thiết bị nội thất.
Sử dụng hoa văn, họa tiết dân tộc trong các không gian nội thất phong cách Đông Dương sẽ tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cao.
* Phù điêu, tượng tròn
Phong cách Đông Dương là sự hợp nhất về văn hóa, nghệ thuật điêu khắc là một phần của văn hóa Việt. Trong nội thất, phù điêu và tượng tròn là một phần quan trọng, nó không chỉ là vật trang trí mà nó còn thể hiện được bản sắc và tinh hoa của dân tộc.
Trong phong cách Đông Dương, phù điêu và tượng tròn với những vật liệu phong phú (gỗ, đất nung, đá, sứ, đồng,…) những hình dạng đa dạng là dấu ấn nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam và Champa.
Phù điêu tượng tròn truyền thống Việt Nam thường được sử dụng trong phong cách Đông Dương được mô phỏng lại theo nhiều biểu tượng, những biểu tượng thường thấy như:
+ Tượng Phật: biểu tượng tôn giáo, biểu tượng cho sự bình yên, thanh cao;
+ Con giống, con rối: những biểu tượng dân gian;
+ Tử linh: Mô phỏng Long, Lân, Quy, Phụng, những con vật đem lại điều may mắn;
+ Hoa sen: có từ thời Lý, biểu tượng của sự trong sạch, thanh tịnh của Phật giáo;
+ Hoa cúc: ảnh hưởng từ Phật giáo là biểu tượng bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền.
+ Bồ đề: Cây bồ Đề là biểu trương cho sự đại giác của đức Phật.
Phù điêu, tượng tròn Champa: Văn hóa Champa tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam, phù điêu và tượng tròn Champa được sử dụng nhiều trong các không gian nội thất phong cách Đông Dương. Phù điêu, tượng tròn Champa thể hiện quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Champa, xuất hiện từ thời Lý và thời Mạc trong những ngôi đền, chùa tại Việt Nam. Một số phù điêu, tượng tròn thường thấy: Nhạc công thiên thần Gandharva, nữ thần đầu người mình chim Kinnari, tiên nữ Apsara, chim thần Garuda.
* Trang thiết bị: trong phong cách Đông Dương, các trang thiết bị là sự tác động của sắc thái và văn hóa bản địa lên phong cách sống của người Pháp. Bên cạnh những trang thiết bị của người Pháp thời gian đầu, có sự xuất hiện những trang thiết bị thuần Việt: phản, sập gụ, bình phong,…
Hiện nay, những trang thiết bị sử dụng trong phong cách Đông Dương được tạo hình và trang trí phù hợp với văn hóa, bản sắc Việt Nam. Những thiết bị này có đặc trưng:
+ Vật liệu tự nhiên: gỗ, mây tre;
+ Trang thiết bị bằng vật liệu tự nhiên qua xử lý, tạo ra được sự thông thoáng; phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiều hơi nước.
4. Giải pháp chiếu sáng trong nội thất:
Giải pháp chiếu sáng luôn quan hệ chặt chẽ với các thành phần kiến trúc, thiết kế chiếu sáng không thể tách rời hoàn toàn với thiết kế kiến trúc và nội thất. Giải pháp chiếu sáng của 1 công trình là hệ thống chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo.
Giải pháp chiếu sáng tự nhiên trong các công trình kiến trúc Đông Dương, giải pháp chiếu sáng tự nhiên tồn tại ngay từ giai đoạn đầu hình thành phong cách nhưng phụ thuộc nhiều vào hình thái kiến trúc. Hệ thống cửa, vách ngăn bao che chính là những giải pháp chiếu sáng tự nhiên. Vách ngăn bao che trong không gian được thiết kế là hệ thống những lam gỗ, những tấm vách ngăn được chạm lộng các hoa văn, họa tiết truyền thống Việt Nam. Hình thức này tạo sự ngăn chia không gian, đảm bảo ánh sáng tự nhiên xuyên suốt công trình, hiệu quả thẩm mỹ cao.
Giải pháp chiếu sáng nhân tạo: công trình nào cũng phải có hệ thống chiếu sáng nhân tạo cho những hoạt động thường xuyên vào buổi tối và khi ánh sáng tự nhiên không đủ đáp ứng. Giải pháp chiếu sáng nhân tạo là một phần trong thiết kế kỹ thuật công trình và thiết kế nội thất.