Liệu chúng ta đã hiểu đúng và đầy đủ về bệnh truyền nhiễm hay chưa. Cần lưu ý những bệnh lý phổ biến nào, dưới đây chúng tôi xin cung cấp thông tin cho bạn đọc hiểu hơn bệnh truyền nhiễm là gì? Đặc điểm, điều trị và cách phòng tránh?
Mục lục bài viết
1. Bệnh truyền nhiễm là gì?
Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây, đây là dạng bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) gây ra, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều.
Là tập hợp những bệnh được gây ra bởi các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, virus, vi nấm, kí sinh trùng gây ra. Những bệnh này có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Mức độ lây sẽ khác nhau giữa các loại bệnh, những bệnh có khả năng lây lan cao có thể tạo thành dịch, đại dịch và có thể gây ra nhiễm bệnh thậm chí tử vong nhiều người cùng một thời điểm.
Tuy nhiên, khi đã mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đó được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch. Tùy theo loại bệnh và cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ khác nhau. Bệnh truyền nhiễm được phân loại theo đường lây và chia ra 5 nhóm bệnh. Cụ thể:
+ Bệnh truyền nhiễm lây theo đường máu
+ Bệnh truyền nhiễm lây theo đường da và niêm mạc
+ Bệnh truyền nhiễm lây theo đường tiêu hoá
+ Bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp
+ Bệnh truyền nhiễm có thể lây bằng nhiều đường
Gồm nhiều loại bệnh khác nhau nên hậu quả cũng khác nhau. Có những căn bệnh rất nặng nề và để lại hậu quả khủng khiếp có thể trên phạm vi cộng đồng hoặc cá thể.
Trong lịch sử, đã có nhiều trận đại dịch cướp đi một con số khổng lồ các sinh mạng: Dịch hạch, cúm, đậu mùa, tả,… Do việc kiểm soát không tốt. Ở góc độ từng cá nhân, có thể mắc bệnh rồi sẽ tự khỏi hoặc dưới sự hỗ trợ của y học hiện đại như thủy đậu, cúm,… Tuy nhiên, một số bệnh như Viêm Não Nhật Bản, Viêm màng não, dại, đều mang lại hậu quả tối tăm hơn cho người bệnh.
Gọi là bệnh lây nhiễm, nên cộng đồng, khu vực dịch tễ và mặt bệnh “nổi bật” cần phải được phòng ngừa và ngăn chặn. Ví dụ ở Việt Nam, chúng ta có chiến dịch tiêm ngừa lao, có phổ biến chủng ngừa viêm gan siêu vi B, Sởi, bại liệt, bạch cầu, ho gà, …
Bênh truyền nhiễm Tiếng Anh là ” Infectious Diseases”
2. Đặc điểm của bệnh truyền nhiễm:
Đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm
Thông thường, đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm như sau:
+ Bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng nhiều con đường khác nhau.
+ Bệnh do vi sinh vật gây ra nên gọi đó là mầm bệnh. Thông thường mỗi một bệnh truyền nhiễm do một loại mầm bệnh gây nên, tuy nhiên có một số trường hợp có thể do hai hoặc nhiều mầm bệnh gây nên.
+ Có thể lây bằng một đường, nhưng cũng có thể lây bằng nhiều con đường.
+ Bệnh phát triển theo các giai đoạn và diễn ra kế tiếp nhau.
+ Sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Quá trình đó gọi là miễn dịch bảo vệ.
Giai đoạn phát triển của bệnh truyền nhiễm
+ Thời kỳ ủ bệnh: Đa phần người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì trong giai đoạn này. Thời kỳ ủ bệnh sẽ phụ thuộc vào loại bệnh, số lượng và độc tính của mầm bệnh, sức đề kháng của cơ thể.
+ Thời kỳ khởi phát: Các triệu chứng của bệnh xuất hiện nhưng chưa nặng và rầm rộ nhất. Bệnh khởi phát theo một trong 2 kiểu: từ từ hoặc đột ngột.
+ Thời kỳ toàn phát: Giai đoạn này bệnh phát triển rầm rộ nhất, đầy đủ các triệu chứng nhất và bệnh nặng nhất. Các biến chứng cũng thường hay gặp trong thời kỳ này.
+ Thời kỳ lui bệnh: Do sức chống đỡ của cơ thể người bệnh và tác động của điều trị, mầm bệnh và các độc tố dần được loại trừ ra khỏi cơ thể. Triệu chứng của bệnh ở thời kỳ toàn phát cũng dần dần mất đi.
+ Thời kỳ hồi phục: Sau khi mầm bệnh và độc tố của chúng được loại trừ ra khỏi cơ thể người bệnh thì những cơ quan bị tổn thương dần hồi phục, chỉ còn những rối loạn không đáng kể. Tuy nhiên cần phải được tiếp tục theo dõi bởi vì một số trường hợp tái phát.
3. Điều trị bệnh truyền nhiễm:
Tuỳ thuộc vào căn bệnh truyền nhiễm được chẩn đoán mà cách thức điều trị sẽ khác biệt nhau. Có một số bệnh có thể điều trị được tích cực bằng kháng sinh như Lỵ, tả, giang mai,… Một số bệnh do virus như thuỷ đậu cũng được điều trị bằng thuốc kháng virus. Đối với một số bệnh đặc biệt khác như Lao thì điều trị cần kéo dài và tuân thủ. Điều trị HIV thì chủ yếu ngăn chặn sự tiến xa của bệnh. Viêm gan B thì điều trị ngừa biến chứng xơ gan và ung thư gan. Sốt xuất huyết thì chủ yếu tránh mất dịch và ngừa biến chứng,…
Điều trị bệnh truyền nhiễm phải điều trị đặc hiệu, cơ chế bệnh sinh, điều trị triệu chứng và chế độ chăm sóc dinh dưỡng. Cụ thể:
+ Điều trị đặc hiệu: Diệt cơ chế gây bệnh. Thuốc diệt mầm bệnh thường là các loại kháng sinh và hoá dược, thảo dược..
+ Điều trị theo cơ chế bệnh sinh: Đây là biện pháp đặc biệt quan trọng đối với các bệnh do vi rút, vì hiện tại thuốc có tác dụng thực sự diệt vi rút còn rất ít. Phương pháp này nhằm ngăn cản hoặc điều chỉnh những rối loạn bệnh lý.
+ Điều trị triệu chứng: Làm giảm các triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn, đây là phương pháp điều trị hỗ trợ cần thiết.
+ Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng: Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, do vậy ngoài điều trị bệnh phải rất quan tâm đến chế độ chăm sóc và dinh dưỡng.
4. Cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm:
Để phòng ngừa bệnh, chúng ta có thể có những cách thức tích cực mà bản thân có thể thực hiện được:
+ Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi. Sử dụng nguồn nước và thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và vệ sinh đúng.
+ Che miệng khi ho và hắt hơi, đeo khẩu trang khi đến những nơi có nguy cơ cao. Sử dụng khẩu trang đúng cách.
+ Vệ sinh môi trường sống.
+ Quản lý chặt chẽ và phù hợp nhà vệ sinh, bể phân, chuồng gia súc, vật nuôi,…
+ Tiêm chủng đầy đủ.
+ Đời sống tình dục lành mạnh.
+ Không sử dụng thuốc bừa bãi.
+ Hạn chế tập trung những nơi đông đúc.
+ Rửa tay thường xuyên.
Bệnh truyền nhiễm là một trong những đặc điểm nổi bật tại Việt Nam. Bệnh thường tác động trên phạm vi cộng đồng và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến từng cá nhân. Một số bệnh có thể phòng ngừa và điều trị tích cực trước khi tiến đến giai đoạn xuất hiện các biến chứng nặng nề. Hãy thăm khám và điều trị tích cực ngay có thể để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng nhé.
5. Việt Nam chúng ta có những bệnh lý truyền nhiễm nào đáng lưu ý?
5.1. Sốt xuất huyết:
Là một trong những bệnh lý phổ biến và hàng năm đều có mắc mới với số lượng đáng kể. Bệnh không có vắc xin phòng ngừa và luôn luôn “nổi lên” vào các mùa mưa trong năm.
Sốt xuất huyết mức độ thay đổi, có thể nhẹ chỉ cần bổ sung nước và nâng đỡ. Nhưng có những trường hợp bệnh có thể diễn tiến rất nặng, bất ngờ và dẫn tới mất dịch, mất máu, tổn thương cơ quan, bệnh nhân có thể sốc và tử vong trong sự bất lực của thầy thuốc. Do đó, cần nhận diện sớm và can thiệp ngay khi cần để bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh.
5.2 Tay chân miệng ở trẻ em:
Đây cũng là một trong hai bệnh lý sốt cho siêu vi cần đặc biệt lưu ý ở trẻ em. Bệnh còn lại là sốt xuất huyết. Tay chân miệng đa phần thì ít nguy hiểm khi được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhưng nếu Tay chân miệng mức độ nặng thì hệ thần kinh sẽ bị tổn thương và trẻ có thể nguy kịch. Do đó, khi trẻ sốt và xuất hiện đau họng, tăng tiết nước bọt, loét miệng, tay chân nổi ban đỏ thì cần lưu ý đi khám ngay nhé.
5.3. Viêm gan siêu vi B:
Bệnh là một căn bênh “hot” của Việt Nam chúng ta và cũng là một trong những vấn đề “đau đầu” nhất khi tỉ lệ lưu hành của viêm gan siêu vi B rất đông đúc. Viêm gan siêu vi B có thể dẫn đến những đợt tổn thương cấp gây đe dọa sức khoẻ bệnh nhân. Bênh cạnh đó, đây là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây nên bệnh cảnh của xơ gan và đặc biệt là ung thư gan. Tiêm phòng là cách hiệu quả để ngừa bệnh, hãy đi tiêm ngay nếu bạn chưa tiêm nhé. Vắc xin viêm gan B là một trong những công cụ tuyệt vời để phòng ngừa bệnh
5.4. Bệnh lao:
Cũng là một trong những vấn đề của xứ sở nhiệt đới như Việt Nam chúng ta. Điều kiện khí hậu và môi trường quá là thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của vi khuẩn lao. Người Việt chúng ta tiếp xúc vi khuẩn lao rất rất nhiều nhưng không phải ai cũng mắc. Bệnh đặc biệt dễ xuất hiện ở những đối tượng mà hệ miễn dịch bị suy giảm như nhiễm HIV, đái tháo đường, ung thư, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài,…
5.5. Viêm gan siêu vi C:
Viêm gan C cũng là một bênh tương đối hay gặp ở Việt Nam tuy không nhiều bằng viêm gan B. Bệnh thường tiến triển mạn tính và là nguyên nhân gây ung thư gan và xơ gan. Trái với viêm gan B, viêm gan C không có vắc xin phòng ngừa nhưng lại có thuốc đặc trị. Do đó hãy điều trị bệnh tích cực nếu bị mắc để phòng ngừa những hậu quả không tốt sau đó nhé.
5.6. Nhiễm HIV:
HIV từ lâu đã nhắc đến với tâm lý sợ hãi. Tuy nhiên nhiễm HIV hiện có thể kiểm soát rất tích cực bằng thuốc ARV và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Tuy thế, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV luôn là mục tiêu của các hệ thống y tế của các quốc gia.
Người bệnh HIV có thể tử vong ở giai đoạn muộn do các bệnh lý cơ hội khi hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, cần có những biện pháp phòng ngừa tích cực để không mắc căn bệnh này. Một trong những cách hiệu quả nhất là sinh hoạt tình dục lành mạnh và có biện pháp bảo vệ như sử dụng bao cao su.
Mặc dù là thế, HIV không phải lây lan trong tiếp xúc thông thường. Thậm lý vết thương ngoài da của người chăm sóc tiếp xúc trực tiếp máu của người bệnh nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm cũng chỉ có 0,3%. Những người mắc thường có gánh nặng tâm lý nhất định.Do vậy, đừng kì thị mà hãy gần gũi và giúp đỡ người nhiễm HIV bạn nhé