Để nhằm mục đích có thể thực hiện các chính sách đối ngoại đó, thì cần thông qua hoạt động đối ngoại và các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập nhằm để góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội và quan hệ đối ngoại của đất nước. Một trong số đó chúng ta sẽ cần phải kể đến Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh.
Mục lục bài viết
1. Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh:
Khái niệm Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh:
Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh là một tổ chức chính trị – xã hội tự nguyện thành lập, nhằm mục đích là để tập hợp, đoàn kết thành viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội và quan hệ đối ngoại của đất nước. Trong đó:
– Kinh tế – xã hội là cách thức hoạt động kinh tế ảnh hưởng và được định hình qua quá trình phát triển của xã hội. Kinh tế – xã hội đôi khi được sử dụng như một thuật ngữ bao hàm các lĩnh vực khác nhau. Thuật ngữ kinh tế – xã hội có thể hiểu là: Sử dụng kinh tế học trong nghiên cứu xã hội. Hiện nay, khi nghiên cứu về loại hình kinh tế – xã hội cho thấy, có hai loại hình là: loại hình kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa và loại hình kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Đối với Việt Nam, vấn đề phát triển kinh tế – xã hội chính là sự phát triển gắn với định hướng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.
Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều được xem là bộ phận quan trọng, hợp thành của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển.
Phát triển kinh tế – xã hội được đánh giá là nhiệm vụ trung tâm và các chủ thể sẽ cần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
– Công tác đối ngoại là lĩnh vực hoạt động phong phú và phức tạp. Các hoạt động đối ngoại có thể diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, có thể xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia khác, cũng có thể đồng thời diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Các hoạt động có được tiến hành nhằm đạt những mục đích chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh hay nhiều mục đích cụ thể khác hoặc kết hợp các mục đích khác nhau.
Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh trong tiếng Anh là gì?
Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh trong tiếng Anh là The Vietnam Committee for Asian – African – Latin American Solidarity and Cooperation.
2. Nội dung về Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh:
2.1. Lịch sử thành lập của Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh:
Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh (sau đây gọi tắt là Ủy ban) có tiền thân là Uỷ ban đoàn kết châu Á, ra đời ngày 19 tháng 10 năm 1956 tại Hà Nội. Khi Hội nghị đoàn kết nhân dân Á – Phi lần thứ nhất họp tại Cairo, thủ đô Ai Cập, từ ngày 26 tháng 12 năm 1957 đến ngày 01 tháng Giêng năm 1958, Việt Nam đã cử đại biểu tham dự.
Sau khi Hội nghị kết thúc với việc thành lập Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi (viết tắt theo tiếng Anh là AAPSO), Uỷ ban quyết định mở thêm quan hệ với châu Phi, đổi tên thành Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á – Phi của Việt Nam và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi.
2.2. Mục đích hoạt động của Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh:
Mục đích hoạt động của Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh là góp phần vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Á – Phi – Mỹ Latinh; thúc đẩy hoà bình, đoàn kết nhân dân, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì phát triển công bằng và bền vững trong khu vực Á – Phi – Mỹ Latinh.
2.3. Vị trí của Việt Nam trong Ủy ban:
Trong suốt 52 năm tham gia Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi, Ủy ban đã được Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi dành cho những vị trí quan trọng trong các cơ cấu lãnh đạo. Tại Hội nghị lần thứ hai của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi ( năm 1960 họp ở Conakry, Guinea, Việt Nam được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành.
Tại Hội nghị lần thứ ba của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi năm 1963 họp ở Mosi, Tanganyika (nay là Tanzania), quyết định thành lập Ban Thư kí thường trực, đại diện miền Nam Việt Nam – mà trực tiếp là Uỷ ban đoàn kết – được bầu vào cơ cấu này. Tại Đại hội lần thứ tư của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi năm 1974 ở Bagdad, Iraq, Việt Nam được bầu làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, và sau đó làm Phó Chủ tịch. Bà Nguyễn Thị Bình đã được tín nhiệm giữ cương vị này cho đến ngày nay.
2.4. Quá trình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ:
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ra Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi và với chức năng nhiệm vụ của mình, Uỷ ban Á – Phi Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã tích cực tham gia các hoạt động của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi với các hoạt động như tham dự các Hội nghị quốc tế do Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi tổ chức, cử đoàn đi các nước…. Uỷ ban đã tuyên truyền, giới thiệu về Việt Nam, tranh thủ được sự ủng hộ liên tục và kiên quyết của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi và nhân dân thế giới theo đúng yêu cầu chính trị của ta.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi đã tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế, nhiều đợt tuyên truyền, quyên góp ủng hộ nhân dân ta, ra nhiều tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và thống nhất đất nước(năm 1975), Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi tiếp tục ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta.
Trên các diễn đàn quốc tế, Uỷ ban Á- Phi Việt Nam đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Á- Phi- Mỹ la tinh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì mối quan hệ đoàn kết, hợp tác với Uỷ ban Á- Phi các nước trên thế giới vì mục tiêu chung của phong trào, phát triển quan hệ giữa Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực.
Nhằm mục đích để có thể tăng cường các hoạt động của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi trong khu vực châu Á, từ năm 1982, Việt Nam đăng cai Trụ sở Trung tâm thông tin liên lạc của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi tại châu Á, giúp cho Trung tâm này hoạt động có hiệu quả, xuất bản Bản tin châu Á.
Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 1/1979), các Hội nghị về hoà bình và an ninh châu Á (năm 1983, 1985, 1990). Từ đầu những năm 90 (thế kỷ XX), mặc dù liên lạc với Ban Thư ký thường trực của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi ở Cai-rô bị gián đoạn nhiều, Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á- Phi- Mỹ la tinh vẫn chủ động tiến hành các hoạt động đoàn kết, ủng hộ và thúc đẩy hợp tác theo tôn chỉ, mục đích của mình.
Uỷ ban đã liên kết với các tổ chức hữu nghị song phương thúc đẩy các hoạt động đoàn kết, ủng hộ Cuba, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Palestin, I-rắc, Li-bi,…, tiếp tục đóng góp vào phong trào đoàn kết nhân dân Á- Phi- Mỹ la tinh, tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi trong những lúc khó khăn nhất. Tháng 9/ 1995, Uỷ ban đã phối hợp với Ban thư ký thường trực Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi tổ chức thành công Hội nghị khu vực châu Á tại Hà Nội. Tháng 1/ 2003, Uỷ ban đã cử đoàn sang thăm và làm việc với Ban thư ký thường trực Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi. Với những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 3/2003, Uỷ ban đã được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất.