Bộ Tài chính được tổ chức với nhiều Vụ, Cục, Tổng cục và các đơn vị sự nghiệp công lập khác nhau. Mỗi đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều có nhiệm vụ hoạt động riêng biệt trong từng lĩnh vực cụ thể. Và trong đầu tư công, thì đơn vị có nhiệm vụ quản lý đó chính là Vụ Đầu tư. Đây là một đơn vị không thể thiếu trong hoạt động của Bộ Tài chính.
Mục lục bài viết
1. Vụ Đầu tư là gì?
“Vụ Đầu tư là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính đầu tư công (trừ những nhiệm vụ cụ thể đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho Vụ Tài chính, Quốc phòng, an ninh, đặc biệt, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Tài chính các ngân hàng tổ chức tài chính quản lý) theo quy định của pháp luật.” (Điều 1 Quyết định 333/ BTC)
Theo quy định trên, thì có thể khẳng định ngay rằng Vụ Đầu tư chính là cơ quan nhà nước, và là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Quy định này cũng được thể hiện tại Nghị định số 87/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ Đầu tư:
Quy định tại Điều 1 đã trích ở trên thể hiện rõ chức năng của Vụ Đầu tư đó chính là “quản lý nhà nước về tài chính đầu tư công”. Tài chính cho đầu tư công hiểu đơn giản đó chính là nguồn tiền dành cho hoạt động đầu tư công. Hoạt động quản lý của Vụ Đầu tư sẽ ảnh hưởng tới các khía cạnh của tài chính dành cho đầu tư công, như việc phân bổ, sử dụng,….
Tuy nhiên, “tài chính đầu tư công” lại thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau. Và để giảm thiểu sự chồng chéo về thẩm quyền giữa các cơ quan, Bộ Tài chính đã quy định chi tiết rằng thẩm quyền của Vụ Đầu tư sẽ không bao gồm việc quản lý tài chính đầu tư công đối với những nhiệm vụ đã thuộc cơ quan khác. Quy định này đã cụ thể hóa, rõ ràng chức năng và phạm vi chức năng của Vụ Đầu tư.
Nhiệm vụ của Vụ Đầu tư được quy định cụ thể tại Điều 2 Quyết định 333/ BTC. Cụ thể thì Vụ Đầu tư có những nhiệm vụ sau:
– Trình cơ quan có thẩm quyền về chiến lược, kế hoạch về tài chính cho đầu tư công. Chiến lược, kế hoạch là một nội dung vô cùng quan trọng, mang tính định hướng xuyên suốt trong đầu tư công. Bên cạnh đó, Vụ Đầu tư còn tham gia xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đầu tư công. Tài chính đầu tư công ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng nhất, nó xuyên suốt cả quá trình liên quan đến dự án đầu tư công. Các văn bản này chính là khuôn khổ được đặt ra để tuân thủ, là chủ thể quản lý, Vụ Đầu tư sẽ nghiên cứu những vấn đề cần điều chỉnh để xây dựng nên khuôn khổ đó.
– Trình chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư công. Vụ Đầu tư chính là cánh tay đắc lực trong hoạt động này. Sau khi xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn, Vụ Đầu tư sẽ gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, quyết định, ban hành văn bản hướng dẫn. Và chính Vụ Đầu tư cũng sẽ là chủ thể có thẩm quyền thẩm định quyết toán sử dụng vốn đầu tư công của các đơn vị khác.
– Đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thì nhiệm vụ của Vụ Đầu tư cũng tương tự như vậy, đó chính là thực hiện các hoạt động hướng dẫn các hoạt động liên quan đến tài chính đầu tư công như quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư,…
– Trình Bộ trưởng Bộ Tài các văn bản hướng dẫn các cơ chế, chính sách tài chính cho đầu thầu, quy hoạch trong đầu tư công, văn bản tham gia ý kiến về chính sách, chế độ liên quan đến đầu tư công của các cơ quan nhà nước khác (Khoản 4, khoản 5 Điều 2). Ở nhiệm vụ này, thì Vụ Đầu tư cũng đóng vai trò giúp sức chỉ đạo, đưa ra những ý kiến, để trên cơ sở đó Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có những sự đóng góp hợp lý tới các cơ quan khác.
– Bên cạnh việc quản lý tài chính đầu tư công đối với nhiệm vụ thuộc phạm vi của Vụ Đầu tư, thì cơ quan này còn trực tiếp phối hợp với các cơ quan khác thuộc Bộ Tài chính trong việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý liên quan đến tài chính đầu tư công thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan kia.
– Vụ Đầu tư còn trình Bộ trưởng bản tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung kế hoạch đầu tư công, về các dự kiến, phân bổ kế hoạch đầu tư công,.. và các vấn đề liên quan đến tài chính đầu tư công khác như nguyên tắc, tiêu chí phân bổ đầu tư,…
– Tương tự thì Vụ Đầu tư cúng tham gia xây dựng ý kiến về thẩm định đề án, quy hoạch, chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu, chỉ tiêu tài chính,….
– Là cơ quan được trao quyền quản lý tài chính đầu tư công, thì Vụ Đầu tư cũng có nhiệm vụ kiểm tra việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước chi đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương (Khoản 9a). Đây là việc vô cùng quan trọng, bởi lẽ sau khi lên kế hoạch, các kế hoạch đó được đưa vào thực thi, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát xem việc thực thi đó có hiệu quả không. Và nhiệm vụ này được giao cho Vụ Đầu tư.
– Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về đầu tư công của Vụ Đầu tư sẽ được thể hiện trong báo cáo, tương tự thì kết quả kiểm tra về hoạt động ứng trước, thu hồi vốn đầu tư công,.. sẽ được Vụ Đầu tư tổng hợp, trình lên Bộ trưởng Bộ Tài chính.
– Đối với các dự án đầu tư công, thì Vụ Đầu tư sẽ hướng dẫn các dự án tổng hợp quyết toán và Vụ Đầu tư cũng thực hiện quyền tổng hợp, giám sát việc lập quyết toán đó.
– Quyền quản lý tài chính của Vụ Đầu tư được áp dụng đối với cả các chương trình mục tiêu quốc gia, và các chương trình khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
– Đối với các nhiệm vụ chi đột xuất, Vụ Đầu tư có nhiệm vụ phối hợp để tìm hiểu về nguồn của nhiệm vụ chi này xuất phát từ đâu, và trình lên Bộ trưởng xem xét, quyết định về nhiệm vụ chi.
– Quyền của Vụ Đầu tư còn thể hiện ở việc thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đầu tư công thuộc phạm vi quản lý của mình. Qua quá trình kiểm tra, nếu có vi phạm thì trình chủ thể có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm, đồng thời tiến hành việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài chính đầu tư công.
Ngoài ra, thì Vụ Đầu tư còn thực hiện các nhiệm vụ khác như giải quyết kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, của các cơ quan thanh tra, điều tra; thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học,…
Trên đây là những nhiệm vụ của Vụ Đầu tư, có thể nhận thấy quy định tại Điều 2 Quyết định 333 đã nêu rõ nên các nhiệm vụ chính của Vụ Đầu tư, đó chính là quyền quản lý sâu và rộng đối với tài chính đầu tư công trong phạm vi quản lý của họ. Vụ Đầu tư chính là sự trợ giúp đắc lực cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trong hoạt động quản lý tài chính đầu tư công.
3. Cơ cấu tổ chức của Vụ Đầu tư:
Tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định 333/BTC quy định: “
1. Vụ Đầu tư có Vụ trưởng và một số Phó Vụ trưởng.
Vụ trưởng Vụ Đầu tư chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Vụ; quản lý công chức, tài sản được giao theo quy định.
Phó Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ được phân công.”
Theo quy định này, chúng ta nhận thấy người đứng đầu Vụ Đầu tư đó chính là Vụ trưởng. Giúp việc cho Vụ trưởng đó chính là Phó Vụ trưởng, tuy nhiên, quyết định 333/BTC lại không quy định chi tiết số phó vụ trưởng. Hiện nay, số Phó Vụ trưởng của Vụ Đầu tư là 03 người.
Còn về các phòng ban thì Khoản 3 Điều 3 Quyết định 333 quy định chi tiết về số phòng ban như sau:
“2.Vụ Đầu tư có các phòng sau:
a) Phòng Chính sách – Tổng hợp.
b) Phòng Tài chính đầu tư trung ương.
c) Phòng Tài chính đầu tư địa phương.
d) Phòng Quyết toán tài chính đầu tư.
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Vụ trưởng Vụ Đầu tư quy định.”
Từ quy định này, thì nhận thấy Vụ Đầu tư gồm có 4 phòng chuyên biệt, mỗi phòng sẽ có một nhiệm vụ riêng do Vụ trưởng Vụ Đầu tư quyết định. Sự bố trí các phòng trong Vụ Đầu tư dựa trên cơ sở của sự cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ của Vụ Đầu tư theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.