Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê. Vụ Kinh tế nông nghiệp là một trong những đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy có những vai trò quan trọng nhưng chắc hẳn vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về thuật ngữ này.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về Vụ Kinh tế nông nghiệp:
1.1. Khái niệm và cơ cấu tổ chức của Vụ Kinh tế nông nghiệp:
Vụ Kinh tế nông nghiệp được hiểu là đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Vụ Kinh tế nông nghiệp là đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lí nhà nước về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, kinh tế nông thôn. Cụ thể như sau:
– Nông nghiệp được hiểu là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng, vật nuôi làm tư liệu, nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Thực tiễn lịch sử phát triển các nước trên thế giới đã chứng minh rằng một quốc gia chỉ có thể ổn định chính trị và phát triển bền vững kinh tế – xã hội khi quốc gia đó có thể đảm bảo an ninh lương thực.
– Lâm nghiệp được hiểu là ngành kinh tế – kỹ thuật bao gồm các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Trong đó:
+ Rừng được hiểu là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.
+ Lâm sản được hiểu là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến.
– Ngư nghiệp được hiểu là ngành kinh tế và là lĩnh vực sản xuất có chức năng và nhiệm vụ nuôi trồng và khai thác các loài thuỷ sản, chủ yếu là cá ở các ao hồ, đầm, ruộng nước, sông ngòi, trong nội địa và ở biển. Nói chung, ngư nghiệp là một thực thể tham gia trong việc nâng cao hoặc thu hoạch cá, được xác định bởi một số cơ quan phải là nghề cá, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy,hải sản.
– Diêm nghiệp hay còn được biết đến là nghề làm muối. Đây là một nghề truyền thống và phát triển đến tận bây giờ tại một số tỉnh thành ven biển của Việt Nam nước ta. Cũng giống như các nghề nông lâm ngư nghiệp, diêm nghiệp cũng hoạt động chủ yếu dưới hình thức hợp tác xã.
– Thủy lợi được hiểu là những hoạt động cung cấp nguồn nước nhân tạo cho nông nghiệp. Ngành thủy lợi phục vụ hơn một nửa số nông dân trên thế giới, là sự kết hợp giữa cung cấp nước, thoát nước và các biện pháp nông nghiệp liên quan nhằm gia tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.
Pháp luật Việt Nam quy định về thuỷ lợi như sau: “Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước.”
– Thiên tai được hiểu là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm các hiện tượng sau đây: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Vụ Kinh tế nông nghiệp giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lí nhà nước về lĩnh vực phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.
– Kinh tế nông thôn là một khu vực của nền kinh tế gắn liền với địa bàn nông thôn. Kinh tế nông thôn là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông – lâm – ngư nghiệp, cùng với các ngành tiểu – thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ… tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong kinh tế vùng và lãnh thổ và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
1.2. Vụ Kinh tế nông nghiệp trong tiếng Anh dịch là gì?
Vụ Kinh tế nông nghiệp trong tiếng Anh tạm dịch là: Department of Agricultural Economy.
2. Nhiệm vụ của Vụ Kinh tế nông nghiệp:
Vụ Kinh tế nông nghiệp có những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ lợi, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, kinh tế nông thôn, khai thác và chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên phạm vi cả nước.
Phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ tổng hợp, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước, quy hoạch vùng lãnh thổ.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, tổng hợp kế hoạch 5 năm, hằng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm về: phát triển ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thuỷ lợi, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, kinh tế nông thôn (xây dựng nông thôn mới; cung cấp nước sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.
Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với hộ gia đình và hợp tác xã; bố trí, sắp xếp lại dân cư nông thôn; định canh, định cư, ổn định di dân tự do và tái định cư), khai thác và chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ tổng hợp, xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng lãnh thổ.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hằng năm, các chương trình, dự án đầu tư (kể cả dự án ODA), báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch hàng tháng, quý và hàng năm.
Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các kiến nghị của các Bộ, ngành và địa phương liên quan đến các ngành, lĩnh vực được phân công.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, đề xuất và phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thu hút vốn ODA.
Danh mục các chương trình, dự án đầu tư nhóm A trở lên sử dụng vốn nhà nước và các danh mục chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các dự án quan trọng thuộc lĩnh vực Vụ phụ trách. Làm đầu mối quản lí các chương trình, dự án được Bộ giao.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực do Vụ phụ trách; phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong kế hoạch 5 năm, hằng năm.
Trực tiếp soạn thảo các cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật cụ thể khi được Bộ giao. Làm đầu mối tham gia thẩm định các cơ chế, chính sách và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của ngành và lĩnh vực thuộc Vụ phụ trách để các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực Vụ phụ trách; chủ trì hoặc phối hợp tham gia thẩm định quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, kinh tế nông thôn.
Thực hiện việc theo dõi, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án thuộc ngành, lĩnh vực Vụ phụ trách.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ nghiên cứu dự báo, thu thập và hệ thống hoá các thông tin về kinh tế phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực Vụ phụ trách; phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ xử lí và cung cấp thông tin về các lĩnh vực Vụ được giao.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ làm đầu mối tổng hợp kế hoạch 5 năm, hằng năm của: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực Vụ phụ trách.
– Vụ Kinh tế nông nghiệp có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng.