Trên thế giới hiện nay có 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi nhà nước là một thực thể độc lập, do đó, trong mối quan hệ của mỗi quốc gia với quốc gia khác luôn tồng tại những điều khác biệt. Sự chi phối của mối quan hệ đó chính là nền chính trị và chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Chính sách đối ngoại là gì?
Chính sách đối ngoại của một quốc gia, còn được gọi là chính sách ngoại giao, bao gồm các chiến lược do nhà nước lựa chọn để bảo vệ lợi ích của quốc gia mình và đạt được các mục tiêu trong môi trường quan hệ quốc tế. Vì lợi ích quốc gia là tối quan trọng, các chính sách đối ngoại được chính phủ thiết kế thông qua các quy trình ra quyết định cấp cao. Chính sách đối ngoại nhắm đến các chủ thể bên ngoài phạm vi của hệ thống chính trị trong nước, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau, phù hợp với lợi ích của quốc gia đó. Mục tiêu định hướng ban đầu của chính sách đối ngoại là mở rộng tầm ảnh hưởng của quốc gia trong quan hệ quốc tế,
2. Vai trò của đối ngoại trong thời kỳ hiện nay:
Chính sách đối ngoại có vai trò chính đó chính là thủ động tạo ra mối quan hệ quốc tế thuận lợi để đưa nước ta hội nhập với thế giới; góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với hoạt động đối ngoại sôi động, tích cực, chúng ta đã mở rộng và nâng lên tầm cao mới các mối quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Chính bản chất nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc đã giúp ngoại giao Việt Nam xóa bỏ hận thù và san lấp khoảng cách giữa nước ta với các nước, kể cả với những nước vốn là cựu thù của đất nước ta.
Hoạt động đối ngoại đã góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chúng ta đã hoàn thành thực hiện phân giới cắm mốc với Lào, Trung Quốc; đang thúc đẩy phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia, đàm phán phân định biển và hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, xử lý các vấn đề liên quan đến thềm lục địa mở rộng với Malaysia. Công tác đối ngoại tham gia tích cực vào việc giữ vững và xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên Biển Đông, không để các tranh chấp leo thang thành xung đột. Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, đấu tranh kiên quyết trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, kịp thời xử lý các khía cạnh đối ngoại phức tạp, góp phần bảo đảm ổn định chính trị – xã hội của đất nước.
Hoạt động đối ngoại đã chủ động, tích cực triển khai mạnh và hiệu quả chủ trương lớn về Hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế đã được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các kênh, gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại của Quốc hội, đối ngoại nhân dân, diễn ra trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nỗ lực trong hoạt động đối ngoại đã phát huy vai trò của nước ta trên nhiều diễn đàn và tổ chức quốc tế, tranh thủ có được những vị trí xứng đáng trong Hội đồng Bảo an, Ủy ban Nhân quyền, Hội đồng kinh tế – xã hội của Liên hợp quốc…
Hoạt động đối ngoại đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia, mở ra triển vọng huy động thêm các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển.
Người Việt Nam ở xa đất nước ngày càng hướng về quê hương, gắn bó và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
3. Quan điểm chính sách đối ngoại của Việt Nam:
Tại đại hội Đảng, Đảng và Nhà nước nêu rõ quan điểm, đường lối đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế của Đản và nhà nước ta như sau:
Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong đó, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân được đặt lên hàng đầu; đồng thời phải nhận thức rõ vị trí của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phải góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ Xã hội chủ nghĩa
Tiếp tục phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, ưu tiên phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới như: Lào, Trung Quốc và Cam-pu-chia. Ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại song phương, đa phương mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước.
Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành một trọng tâm đối ngoại của quốc tế. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược. Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là với các nước ASEAN.
Hội nhập quốc tế là nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ đối ngoại. Hội nhập quốc tế không giới hạn trong một phạm vi, một lĩnh vực nào của đời sống quốc tế mà được lan tỏa ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tham gia mọi mặt đời sống quan hệ quốc tế là phải tham gia các quá trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Hội nhập quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của thời cuộc nói chung, vừa là nhu cầu nội tại của mỗi nước, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu…, đặc biệt là Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có tham gia các hoạt động hợp tác ở mức độ cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,…
Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và các lĩnh vực khác. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị…; hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu.
4. Các yếu tố tác động đến chính sách đối ngoại:
Các nhân tố quan trọng quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia bao gồm:
– Lợi ích của quốc gia. Lợi ích quốc gia của Việt Nam trong đối ngoại bao gồm hai nhóm: nhóm các lợi ích sống còn và nhóm các lợi ích phát triển. Nhóm các lợi ích sống còn bao gồm giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; giữ vững hòa bình với bên ngoài, bảo đảm ổn định và trật tự bên trong; bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân; bảo đảm an ninh kinh tế của quốc gia; giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhóm các lợi ích phát triển bao gồm không ngừng nâng cao khả năng giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; mở rộng không gian phát triển; phát huy bản sắc dân tộc; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
– Thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế: Chính sách đối ngoại được xây dựng trên cơ sở không những phải phù hợp với lợi ích của quốc gia, mà còn phải tương thích với vị thế và sức mạnh tổng hợp của đất nước.
– Tình hình chính trị và an ninh thế giới: cục diện thế giới và khu vực cũng có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của mọi quốc gia trên thế giới
– Mục tiêu quốc gia mong muốn đạt được;
– Ảnh hưởng của bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại;
– Các nhân tố chính trị nội bộ (các nhóm lợi ích, giới truyền thông, công luận,…)