Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông là thông điệp đang được ngày càng nâng cao trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, việc tuân thủ an toàn giao thông đang được cộng đồng chung tay tạo nên văn hóa giao thông.
Mục lục bài viết
1. Văn hóa giao thông là gì?
Văn hoá là cái gốc của một xã hội văn minh, lành mạnh trong đó Văn hóa giao thông đóng một vai trò quan trọng. Giao thông là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và là nền tảng vững chắc đảm bảo cho sự phát triển bền vững; đồng thời cũng là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia trên đà phát triển. Văn hoá giao thông là một vấn đề nóng bỏng đang được đưa ra bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Năm 2012 là năm An toàn giao thông, việc tìm hiểu vấn đề Văn hoá giao thông Việt Nam vào lúc này lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.
Văn hóa giao thông là ý thức, là thái độ của mọi người trong khi giao thông (nói 1 cách khác là trình độ phát triển của con người trong giao thông, biểu hiện qua các hành động di chuyển).
Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.
Khái niệm Văn hoá giao thông tất nhiên là một biểu hiện cụ thể của khái niệm Văn hoá nói chung. Do vậy nó cũng phải được nhìn nhận ở khía cạnh vật thể và phi vật thể, ở việc thể hiện trình độ phát triển và đặc tính riêng của mỗi dân tộc…Văn hoá giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau: có người bảo thực hiện tốt luật lệ giao thông là Văn hoá giao thông, có người lại bảo nội dung Văn hoá giao thông rộng hơn nhiều nội dung luật lệ giao thông, người khác thì nói Văn hoá giao thông là cách ứng xử của mọi người khi tham gia giao thông…
Theo Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia: “ Văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng Văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.
Cũng theo Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, trong Văn hoá giao thông có ba tiêu chí: một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hai là: có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; ba là, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo báo Văn hoá: “ Văn hoá giao thông là tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện”.
2. Ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa giao thông:
Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông của đất nước, nhất là ở các đô thị lớn và các tuyến quốc lộ chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện, cho con người, vì con người.
Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Do vậy, ngay từ hôm nay, khi bước chân ra khỏi nhà bạn hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông,… Qua đó cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông.
3. Thực trạng văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay:
– Thực trạng về cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông
Cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông ở nước ta do nhiều hạn chế mang tính lịch sử đã chậm hàng trăm năm so với các nước phát triển. Nhiều con đường, nhiều cây cầu đã xuống cấp, hư hại ở mức độ báo động song vẫn được khai thác sử dụng. Chẳng hạn như đại lộ Thăng Long, công trình chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long, con đường được coi là đạt tiêu chuẩn hiện đại nhất Việt Nam , mới sau đại lễ đã bị xuống cấp. Ở Việt Nam hiện tồn tại một thực tế là sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Bên cạnh sự thiếu đồng bộ, thiếu thốn và xuống cấp về cơ sở hạ tầng giao thông là vấn đề nhiều phương tiện giao thông cũ nát, không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo hệ số an toàn kỹ thuật… vẫn được tham gia lưu thông trên đường.
Cùng với những vấn đề trên là sự bùng nổ các phương tiện giao thông, nhất là xe máy cá nhân. Mặc dù nhà nước đã đưa vào sử dụng nhiều phương tiện giao thông công cộng như xe buýt song số lượng xe máy, xe đạp, xe ôtô và các phương tiện cá nhân khác vẫn ở trong tình trạng quá tải. Trong khi đó cả nước mới chỉ dành một số ít quỹ đất cho phát triển giao thông.
– Thực trạng về ý thức của người dân, người tham gia giao thông
Bên cạnh những người dân, người tham gia giao thông có ý thức tốt, có văn hoá là bộ phận không nhỏ những dân, người tham gia giao thông có ý thức kém, thậm chí đáng báo động. Có một nghịch lý là đa số hộ dân trong địa bàn thành phố được gắn biển “ gia đình văn hóa’ nhưng khi lưu thông trên đường thì rất nhiều người lại có hành vi phản văn hoá.
Theo dõi đường phố Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…ta rất dễ nhận ra những hành vi thiếu ý thức, kém văn hoá khi tham gia giao thông như: học sinh không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy; không thắt dây an toàn khi đi xe ôtô; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định; đi xe bus không nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật; phóng nhanh; vượt ẩu; đi vào đường ngược chiều; uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới; không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn chuyển hướng; không đi đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển; đi xe quá tốc độ cho phép; vượt đèn đỏ; lạng lách; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó; kẹp ba, kẹp bốn…
– Thực trạng về vấn đề ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông
Tình trạng tắc nghẽn giao thông và tai nạn giao thông ở nước ta đã lên đến mức báo động, đã gây ra hiệu quả nặng nề về mặt kinh tế xã hội.
Thực trạng về vấn đề ùn tắc giao thông tại TP. Hồ Chí Minh: Mật độ xe lưu thông cao, nhiều công trình đang triển khai thi công, bố trí giao thông không hợp lý, xe buýt lạm dụng quyền ưu tiên, tình trạng “đại công trường” là những nguyên nhân khiến cho bức tranh giao thông thành phố xấu hơn. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn giảm, nhưng thực tế cho thấy, nạn ùn tắc giao thông chẳng những không giảm mà còn tái diễn xấu hơn. Vào những giờ cao điểm, đoạn nút giao thông Cộng Hoà – Út Tịch, Cộng hoà – Tân Kỳ Tân Quý, vòng xoay Lăng Cha Cả…, hàng nghìn phương tiện giao thông ken chật cứng tràn lên cả lề đường kéo dài hàng trăm mét, nhiều hôm kẹt xe nghiêm trọng tới ba giờ liền.
Thực trạng về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Mỗi sáng, người dân Hà Nội chen lấn nhau đưa con đi hoc, đến cơ quan cho kịp giờ làm. Chiều đi làm về, “bài ca” tắc đường lại tiếp tục tiếp diễn. Càng ngày tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng và những thiệt hại do hệ luỵ của nó không thể thống kê hết được. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng mạng lưới giao thông Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều “nút thắt cổ chai”. Có những nút thắt theo đúng nghĩa đen là con đường đang rộng bỗng dưng bị bóp lại và cũng có vô số nút thắt vô hình nằm trong khâu quản lý điều hành và ý thức của người tham gia giao thông. Chính vì thế mà ách tắc giao thông càng trầm trọng.
– Thực trạng về việc điều hành, quản lý giao thông
Ở Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều hành vi thiếu văn hoá của người tham gia điều hành, quản lý giao thông như: nhận tiền hối lộ của người vi phạm luật giao thông; điều hành giao thông thiếu kiên quyết, thiếu tôn trọng người tham gia giao thông; không mạnh dạn sáng tạo bổ sung, chỉnh sửa kịp thời những sai sót trong nội dung công việc do mình quản lý gây thiệt hại về người và của cho nhân dân…
4. Các cách xây dựng văn hóa giao thông:
Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng cần được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, người thực thi công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và hành vi ứng xử khi tham gia giao thông của người dân là rất quan trọng, qua đó góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông xảy ra. Văn hóa giao thông không ở đâu xa mà tồn tại trong ý thức, cách nghĩ, việc làm của mỗi người.
Đội nón bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định, không đi xe trên vỉa hè, chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông; không sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện giao thông; không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông;… là những hành động thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông. Nét đẹp trong văn hóa giao thông đôi khi chỉ là một hành động nhỏ như nhường đường khi tham gia giao thông.
Mỗi hành động, cử chỉ, cách ứng xử khi tham gia giao thông không chỉ là văn hóa giao thông mà còn thể hiện nhân cách của mỗi người. Vì thế, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm An toàn giao thông 2020 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – Trương Hòa Bình đã kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh học sinh cùng cam kết nêu gương tốt về văn hóa giao thông.
Mỗi người hãy tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhường đường khi tham gia giao thông để cùng xây dựng văn hóa giao thông và góp phần bảo đảm an toàn giao thông.