Đói cho sạch, rách cho thơm mang ý nghĩa: dù đói rách, cùng khổ hay gặp khó khăn vất vả cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, liêm khiết, sống ngay thẳng, trong sạch.
Mục lục bài viết
1. Đói cho sạch, rách cho thơm nói đến đức tính gì?
Đầu tiên, câu tục ngữ gồm có hai vế: “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” ý chỉ hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của con người về vật chất. Còn “sạch” và “thơm” nói đến vẻ đẹp hình thức bên ngoài cũng như tâm hồn bên trong. Như vậy đó là lời khuyên nhủ con người dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, dù đói khát thì cũng vẫn phải ăn sạch, không được ăn bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe. Dù quần áo không hoàn hảo, lành lặn vẫn phải giữ chúng sạch sẽ, thơm tho. Tuy nhiên đây mới chỉ là lớp nghĩa thực, và nếu hiểu theo nghĩa này thì câu tục ngữ sẽ không có sự sâu sắc. “Đói cho sạch, rách cho thơm” còn mang ý nghĩa sâu xa, tế nhị hơn: Dù cuộc sống có nghèo khổ, thiếu thốn, bần cùng, khó khăn đến đâu thì con người vẫn phải giữ cho mình một tâm hồn đẹp, trong sạch, lương thiện không để hoàn cảnh chi phối bản thân. Câu tục ngữ không chỉ đơn thuần là nói đến cái đói, cái rách mà còn nói lên một chân lí, một triết lí sống đầy giá trị nhân văn.
=> Tổng quát
– “Đói cho sạch, rách cho thơm” mang ý nghĩa: dù đói rách, cùng khổ hay gặp khó khăn vất vả cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, liêm khiết, sống ngay thẳng, trong sạch.
– Giá trị của câu tục ngữ: Là đạo lý giáo hóa, khuyên răn sâu sắc giúp con người gìn giữ nhân phẩm và đạo đức.
Chứng minh câu tục ngữ: “Đói cho sạch rách cho thơm“
2. Ý nghĩa của câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”
Mỗi người đến với cuộc đời là một sự sắp đặt kỳ diệu của số phận.Chúng ta được sinh ra và lớn lên, đó là một điều may mắn. Chúng ta không được lựa chọn bố mẹ của mình là ai, gia đình của mình giàu có hay nghèo khổ, quê hương của mình ở đâu nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn cách sống của chính mình. Con người sinh ra không phải ai cũng được sống trong sung sướng, hạnh phúc. Có rất nhiều người phải chịu hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nhưng càng sống trong hoàn cảnh đó, chúng ta càng phải giữ được phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Nhân cách, đạo đức của một con người có thể được định hình và thay đổi theo thời gian. Khi con người được định hướng và lựa chọn một lối sống đúng đắn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và thành công hơn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp mới đáng trân trọng, ngưỡng mộ. Nếu chúng ta chịu khuất phục trước sự túng quẫn, đói rách mà làm điều sai trái, dần dần chúng ta sẽ đánh mất phần “người”, đánh mất nhân phẩm và ngày càng lún sâu vào tăm tối, khó quay đầu lại. Nếu như giữ vững tâm hồn trước mọi gian khổ, khó khăn giúp con người nâng cao phẩm cách và sở hữu một ý chí dẻo dai, kiên cường.
Con người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải giữ được phẩm chất tốt đẹp. Khi chúng ta sống trong sạch sẽ giúp nâng cao phẩm cách và sở hữu một ý chí dẻo dai, kiên cường. Đồng thời cách sống ấy còn giúp con người rèn luyện bản lĩnh và chiến thắng trước mọi gian nan, thử thách. Người có lối sống tốt đẹp sẽ nhận được tình yêu thương, sự giúp đỡ của những người xung quanh, các mối quan hệ giữa người và người ngày càng được thắt chặt hơn. Mỗi người biết sống tốt sẽ góp phần xây dựng xã hội, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Trong cuộc sống, con người sẽ có lúc gặp khó khăn. Những thiên tai, dịch bệnh… là những hiểm họa khó lường. Và khi gặp những khó khăn ấy, người ta thường dễ dàng suy sụp, có những hành động không đúng với chuẩn mực đạo đức: ‘Đói ăn vụng, túng làm liều”.Nếu là người có ý chí, có bản lĩnh vững vàng sẽ không bị sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống, sẽ giữ được lương tâm, phẩm giá, nhân cách của bản thân một cách trong sạch, lương thiện. Ngược lại, người dễ bị cám dỗ sẽ trở thành kẻ xấu, suy đồi nhân cách, đạo đức. Với xã hội hiện đại, đây là câu nói răn mình mà mỗi người cần phải ghi nhớ để không sa đà vào những tệ nạn khi gặp khó khăn, vất vả. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo đói mà sống trong sạch, khó khăn thiếu thốn mà giữ được phẩm cách, danh dự. Đó là điều không đơn giản, không phải ai cũng làm được. Nhưng đó là điều cần thiết để khiến bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Phân tích câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”
Cuộc sống là một bản nhạc với những nốt thăng trầm. Trước những sự biến động ấy, chúng ta cần giữ vững cho mình một tâm hồn, một nhân cách trong sạch, thiện lương. Và đây cũng là bài học mà ông cha ta răn dạy từ bao đời, được gửi gắm qua câu tục ngữ:”Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ về ý nghĩa của câu nói trên. Đây là một câu tục ngữ được chia làm hai vế khá cân đối và nhịp nhàng. Cha ông ta đã lấy bối cảnh nghèo khó của xã hội để thử thách lòng người. Câu tục ngữ gồm hai vế, sóng đôi bổ sung ý nghĩa cho nhau. Xét về nghĩa đen câu tục ngữ muốn nói đến những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống. Mặc dù đói nghèo thì việc ăn uống cũng cần phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn bẩn, ôi thiu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhà dù có nghèo, quần áo dù có rách rưới thì ít nhất cũng cần phải giữ cho luôn sạch sẽ, thơm tho. Đây là lối sống đẹp đẽ. Xét về nghĩa bóng thì ý câu tục ngữ muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng dù có sống trong bần hàn, nghèo khổ thì cũng phải luôn giữ cho lương tâm mình trong sạch. Đây là lối sống cần phải trân trọng và rèn luyện hằng ngày. Điều kiện vật chất là rất cần thiết nhưng cũng không nên vì “tiền”, vì “danh lợi” mà đánh mất đi nhân phẩm của mình. Điều này thật không nên và nó ảnh hưởng đến cốt cách của mỗi con người.
Lời nhắn gửi thật đúng đắn và sâu sắc làm sao. Vậy thì tại sao con người cần “đói cho sạch rách cho thơm” ? Không ai trong cuộc sống này được quyết định hoàn cảnh sống, nơi mà mình sinh ra trong cuộc đời. Có người may mắn được sống trong một gia đình giàu có, khá giả, nhận được tình yêu thương từ đầy đủ từ ông bà, cha mẹ, nhưng cũng có những người khi sinh ra đã không may mắn sống trong hoàn cảnh cơ cực từ bé, không người thân, không gia đình, điều kiện khó khăn, nghèo khổ. Với những hoàn cảnh sống “đói” và “rách” ấy, không ai là muốn mình cứ mãi phải thu mình trong một hoàn cảnh như vậy, họ chọn cách vươn lên số phận, khẳng định chính mình để tìm đến những cơ hội mới, những sự giải thoát mới.
Có những người chống chọi với hoàn cảnh bằng cách làm những điều trái với lương tâm, đạo đức như đi cướp bóc, buôn bán trái phép… làm những việc gây ảnh hưởng lớn đến xã hội và những người xung quanh. Họ cho rằng, chỉ cần có tiền, có được cơ hội để thoát khỏi hoàn cảnh thì việc gì họ cũng sẽ làm. Đó là những kẻ mà đã để tâm hồn mình bị vẩn đục, ô uế với những quan niệm, suy nghĩ sai trái. Ngược lại, nếu ta biết vượt lên hoàn cảnh bằng cách không ngừng nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho mình một cách trong sạch, đi lên từ những bước đi nhỏ nhất, cộng với sự chăm chỉ, quyết tâm thì chắc chắn nỗ lực của ta sẽ được đền đáp xứng đáng. Vậy nên dù cho bản thân có “đói” và “rách”, thì chỉ cần một khi tâm hồn ta vẫn còn trong sạch, lòng tự trọng của ta vẫn còn vẹn nguyên để không làm những điều sai trái với tiêu chuẩn đạo đức, ta vẫn có cơ hội để tìm đến một cuộc sống mới.
Vậy chúng ta cần làm gì để giữ tâm hồn luôn thánh thiện, trong sạch ? Bản thân mỗi người cần biết tự ý thức sâu sắc về hoàn cảnh của chính mình, sống một cách ngay thẳng, lương thiện thì dù cho hoàn cảnh của bạn thế nào, bạn vẫn luôn được người xung quanh yêu mến và tôn trọng. Còn những kẻ vì mọi thứ mà bán rẻ lương tâm, lòng tự trọng của mình, sẽ luôn bị bị người đời chê trách và xa lánh.Chúng ta bắt gặp rất nhiều người trong những tác phẩm như “Lão Hạc”, “Làng”, “Chị Dậu”. Họ đều là những con người bần hàn, nghèo khổ đáng thương, bị đẩy đến tận cùng của xã hội nhưng tấm lòng của họ, chữ tâm của họ vẫn luôn khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục. Do đó, có thể thấy, lòng tự trọng luôn là một cái gì đó mà con người cần hết mực trân trọng và giữ gìn, không để nó bị vẩn đục.
Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn chính là việc nhiều người vì thiếu thốn vật chất mà dẫn đến những hành động sai trái, đi ngược với lương tâm và nhân cách của bản thân mình. Khi đã có suy nghĩ tiêu cực thì sẽ dẫn đến những hành động tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân và cả xã hội. Ngoài ra, trong xã hội hiện tại còn có một số cá nhân thích đua đòi theo bè bạn để đúng với thời thượng, đẳng cấp. Họ ăn chơi xa hoa, coi trọng vật chất, tiền tài, danh vọng hơn cả phẩm giá của bản thân mình, chính thế mà những người này sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm vì những mục đích xa xỉ. Vậy ra những việc làm tai hại như thế đâu chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới họ – bản thân những người gây ra như bị bè bạn khinh rẻ, bị mọi người lánh xa, bị luật pháp trừng trị nghiêm khắc mà còn ảnh hưởng rất xấu tới xã hội, tới cộng đồng khi gây mất trật tự, an ninh và cũng còn muôn vàn tệ nạn xã hội khác nữa…
Mỗi người chúng ta là một tế bào của xã hội, việc sống lành mạnh, không hổ thẹn với lương tâm sẽ tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi chúng ta, hãy sống như câu tục ngữ trên của ông cha ta: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, để trở thành những công dân tốt, cả xã hội là một xã hội tốt, luôn giữ một tinh thần vững vàng, tự tin và không thẹn với lòng khi gặp những khó khăn, trắc trở.
4. Bài học rút ra từ câu tục ngữ nêu trên:
“Bạn không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống”, nếu bạn sinh ra là một viên kim cương, hãy sống sao cho đúng với giá trị của mình. Còn nếu bạn sinh ra là một bông hoa dại dù cho không hương, hãy sống rực rỡ dưới ánh mặt trời bằng vẻ đẹp của chính bạn, để người đời dù không biết đến hương thơm nhưng vẫn nhớ được tên loài hoa ấy.