Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Tính tất yếu của việc đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên:
Đứng trước xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa cùng những bước phát triển nhảy vọt của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, công tác dạy học nói chung từ giáo dục phổ thông đến cao đẳng, đại học đã bộc lộ nhiều hạn chế khi khối lượng kiến thức ngày một nhiều trong khi thời gian học tập lại hạn chế. Như đã phân tích tại tiểu mục 1.1, pháp luật là nội dung học thuật có phạm vi kiến thức rộng, phức tạp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ đối với những nước có hệ thống pháp luật thành văn như Việt Nam. Do vậy, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên với định hướng phát huy sự chủ động, tự giác, sáng tạo của người học thông qua đó hình thành phương pháp tự học phù hợp, khả năng học tập suốt đời là một nhu cầu tất yếu đối với các cơ sở giáo dục.
Trước hết, tính tất yếu của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật xuất phát từ vai trò quan trọng của pháp luật trong sự phát triển toàn diện của con người Việt nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, giáo dục pháp luật được thực hiện với các hình thức các hoạt động, chương trình chính khóa và ngoại khóa hướng tới phục vụ mục tiêu “hình thành ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý trong nhân dân”. Tương tự nhiều bộ môn, phân môn khác, giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên là hoạt động được các chủ thể giáo dục xây dựng và thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau hướng tới cung cấp những hiểu biết pháp luật từ cơ bản tới nâng cao, bồi dưỡng nhân cách, hoàn thiện tư cách công dân, nâng cao nhận thức để điều chỉnh hành vi, xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật, tích lũy kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong các ngành, lĩnh vực có liên quan tới pháp luật. Nếu không thực hiện đổi mới một cách có định hướng, công tác giáo dục pháp luật khó có thể đảm bảo thực hiện các vai trò quan trọng này.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật là xu thế chung của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Nhìn chung, nhiều nước đã trang bị học phần pháp luật đại cương đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, không ít trường đã xây dựng các phân môn pháp luật chuyên ngành như: Luật Kinh tế, Luật Xây dựng... nhằm đáp ứng sự phân công lao động và chuyên môn hóa cao của thị trường và xã hội. Theo thời gian, các nền giáo dục tiến bộ đã có sự thay đổi theo đa dạng hóa và dần chuyển từ lối truyền thụ một chiều người dạy đóng vai trò trung tâm) sang khuyến khích, phát triển tính tích cực của người học. Tại những cơ sở đào tạo nổi tiếng như trường đại học Harvard, nhiều giảng viên pháp luật đã xây dựng tình huống cụ thể và đưa những phương pháp mới vào quá trình giảng dạy phù hợp với định hướng phát lấy người học làm trung tâm. Tại một số nước, chính phủ còn nỗ lực trong việc đưa các nội dung kiến thức pháp luật – vốn được nhiều người cho rằng chỉ phù hợp với sinh viên cao đẳng, đại học, vào giảng dạy tại các bậc học dưới. Như đã đề cập, Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp Trung Quốc đã phối hợp xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, đại học theo hướng nâng cao kiến thức pháp luật – mà trước hết là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Thứ ba, nội dung, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật là tất yếu do các hạn chế đang tồn tại của công tác này. Cụ thể, nội dung giáo dục pháp luật còn nhiều điểm chưa thực sự phù hợp ở một số cấp học, phương pháp giáo dục pháp luật tại nhiều cơ sở đào tạo chưa đảm bảo cân bằng hai yếu tố kiến thức và kỹ năng, hành vi. Trong đó, các phương pháp hướng dẫn người học tự rèn luyện, tu dưỡng phù hợp với đạo đức xã hội và các chuẩn mực xử sự chung theo quy định của pháp luật còn rất hạn chế. Không thể phủ nhận, các cơ sở giáo dục tại bậc học cơ sở, phổ thông, cao đẳng, đại học đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi phương pháp, nội dung giảng dạy pháp luật. Dẫu vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế cách dạy – học mang tính hai chiều (thảo luận, tranh luận các tình huống pháp luật) còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và còn ít xuất hiện ở nhà trường phổ thông. Phương pháp được sử dụng chủ yếu, thường xuyên vẫn là thuyết trình, giải thích mang tính một chiều và tiếp thu một cách thụ động. Nhiều giáo viên, giảng viên chưa quan tâm đến khả năng nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh, sinh viên trong quá trình giảng dạy. Một số chuẩn mực xử sự theo pháp luật, đạo đức xã hội và truyền thống tốt đẹp chưa thực sự được chú trọng.
Bên cạnh những khó khăn gặp phải khi xây dựng nội dung giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa, việc giáo dục pháp luật dưới các hình thức ngoại khóa (thảo luận, tọa đàm, chuyện chuyên đề, tham dự phiên tòa, thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động văn nghệ chủ đề pháp luật, giao lưu giữa các trường, các khoa, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các phong trào giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội...) cũng còn rất nhiều hạn chế. Dù các đơn vị đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận trong việc giáo dục pháp luật bằng một vài hình thức ngoại khóa cho sinh viên song hiệu quả thực tế của việc người học tham gia vào các hoạt động này còn chưa cao. Điều này có thể được lý giải bởi tâm lý“chính – phư”, hoạt động mang tính chất tự chọn (không bắt buộc) hay hình thức, nội dung giáo dục pháp luật ngoại khóa chưa có sức hấp dẫn, thu hút đối với học sinh, sinh viên.
Cuối cùng, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh tội phạm vị thành niên, người trẻ đang diễn ra phức tạp. Bên cạnh những học sinh, sinh viên có ý chấp hành tốt nội quy của nhà trường, tuân thủ pháp luật, vẫn có một số không nhỏ học viên tại các cơ sở đào tạo trên cả nước đã và đang có biểu hiện tiêu cực về tư tưởng, lối sống – nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, cá biệt có những em phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong số 1.211 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam năm 2019 có tới 0,57% là sinh viên. Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tỷ lệ học sinh, sinh viên bị khởi tố – truy cứu trách nhiệm hình sự bình quân trên phạm vi toàn quốc chiếm từ 0,54% đến 0,66% và có xu hướng tăng dần theo từng năm. Tuy chưa phải con số cao, nhưng những dẫn chứng này vẫn cho thấy tình hình phạm tội trong học sinh, sinh viên đang có chiều hướng diễn biến phức tạp và cần nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đảm bảo cơ sở xã hội học của việc đổi mới phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên:
Bảo đảm cơ sở xã hội học của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là những yếu tố làm cho quá trình này được thực hiện, duy trì và triển khai một cách hiệu quả. Theo đó, nội dung bảo đảm cơ sở xã hội học trong đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên gồm:
Thứ nhất, thông tin xã hội học về chính sách, đường lối đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên: Trong tiến trình đổi mới căn bản, đồng bộ, toàn diện nền giáo dục, nội dung, phương pháp giáo dục được xác định là những vấn đề căn bản, trọng tâm, giữ vai trò tiên quyết đối với thành quả của công cuộc này. Theo đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp được tiến hành với mọi bộ môn, phân môn nhằm năng cao hiệu quả giảng dạy (trong đó có giáo dục pháp luật). Việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cần có các thông tin xã hội học về chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề này. Những văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó chứng đựng đường lối, phương hướng đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục pháp luật được xem là kim chỉ nam cho toàn bộ quá trình hoạt động của những người làm công tác giáo dục và người học. Nghị quyết số 29–NQ–TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 2268/CT–BGDĐT ngày 08/8/2014 của Bộ giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019–2020 của ngành Giáo dục... là những văn bản tiêu biểu chứa đựng nhiều nội dung quý báu về tinh thần chủ đạo trong công cuộc đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục. Những thông tin này là vô cùng này cần thiết, bởi chính sách pháp luật của nhà nước sẽ giữ cho các mục tiêu cơ bản của nền giáo dục quốc dân không bị lệch hướng trong suốt quá trình thực hiện đổi mới. Các chính sách này cũng giúp cho các nhà giáo dục hiểu rõ yêu cầu mà Nhà nước và xã hội đặt ra, các tiêu chuẩn đánh giá và tự đánh giá kết quả đổi mới để xây dựng phương án, lộ trình thay đổi phù hợp. Các chính sách này cũng đã trải qua quá trình tham vấn ý kiến của rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các cơ quan hữu quan nên sẽ góp phần nâng cao chất lượng việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật – tránh những tác động không cần thiết, gây thêm khó khăn áp lực và kém hiệu quả tới kết quả giáo dục chung.
Thứ hai, thông tin xã hội học về hiệu quả của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật hiện hành cho học sinh, sinh viên: Thông tin xã hội học về hiệu quả của công tác đổi mới nói chung là toàn bộ kết quả, thông báo, dữ liệu ghi nhận được dưới giác độ xã hội về giá trị, vai trò của quá trình đó đối với chất lượng giáo dục của từng phân môn cụ thể. Các thông tin xã hội học về hiệu quả của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật có thể kể tới như: mức độ đáp ứng về mục tiêu giáo dục; kết quả của việc đổi mới cả ở phương diện tích cực và tiêu cực, nguyên nhân đằng sau các kết quả đó; mức độ hiện thực hóa các chính sách pháp luật có liên quan của nhà nước; các yêu cầu cùng các biện pháp cụ thể để tiếp tục hoàn thiện công cuộc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục xã hội. Nói cách khác, thông tin xã hội học về hiệu quả của đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy quá trình đổi mới tiếp diễn, hoàn thiện. Thông qua những dữ liệu này, các nhà giáo dục có thể nhận thức một cách khách quan quá trình đổi mới dưới góc độ hiệu quả xã hội, từ đó có biện pháp, đề xuất phù hợp, tránh hiện tượng hình thức, chủ quan duy ý chí.
Thứ ba, thông tin xã hội học về nhu cầu và các lợi ích của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên: “Nhu cầu” là những đòi hỏi thể hiện ý chí, thái độ của con người đối với các sự vật, hiện tượng trong quá trình tồn tại và phát triển. “Lợi ích”, theo quan điểm của một số học giả, được xác định như là nhu cầu khách quan được chế định bởi vị trí xã hội của một cá nhân, một dân tộc, một nhóm xã hội nào đó” hay là“sự phản ánh chủ quan những nhu cầu tồn tại khách quan”, “là mối quan hệ lựa chọn đã được nhận thức của nhu cầu”. Thực tế cho thấy, tồn tại một số lượng lớn nhu cầu và các lợi ích ở mức độ khác nhau của các chủ thể, đối tượng tham gia hoạt động giáo dục cần được tri giác, cân nhắc trong quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật. Những nhu cầu lợi ích này có thể ở phạm vi rộng lớn như của cả xã hội song cũng có thể là nhu cầu của cá nhân (giáo viên, giảng viên, học sinh), tổ chức giáo dục... Việc nhận thức chính xác thông tin về các nhu cầu và lợi ích này giúp cho quá trình đổi mới có thể xác định đáp ứng các nhu cầu, lợi ích ưu tiên cho từng giai đoạn, có tính thực tiễn cao và phù hợp với tương quan cơ sở vật chất.
Việc nắm bắt nhu cầu, lợi ích mang tính ưu tiên trong đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cần dựa vào các thông tin như: sự quan trọng của các nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cần đổi mới; ai nằm trong nhóm khách thể chịu sự tác động của việc đổi mới, ai hưởng lợi, ai chịu thiệt... Thông tin xã hội học về nhu cầu và các lợi ích sẽ giúp các cơ quan hữu quan, những nhà giáo dục có dữ kiện thực tế để quyết định danh các nguồn lực giáo dục như thế nào và phân bổ ra sao.
Thứ tư, thông tin dự báo về hiệu quả, tác động xã hội của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên: Các thông tin dự báo với mục đích dự đoán các trạng thái tương lai của công tác giáo dục pháp luật mang tính xác suất, nhiều phương án. Dù chỉ mang tính dự đoán, nhưng dự báo về hiệu quả, tác động xã hội của việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên được coi là những đảm bảo quan trọng, cần thiết. Bởi, những dự báo này chứa đựng các thông tin mang tính báo trước về hiệu quả, tác động xã hội của quá trình đổi mới trên cơ sở số liệu, thông tin đã có. Nhìn chung, các dự báo thường được hình thành cùng thời điểm các phương án đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục được đề xuất, xây dựng. Càng nhiều thông tin dự báo, các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng nội dung đổi mới càng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi. Ở mức độ cơ bản nhất, các thông tin dự báo phải thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể về các đối tượng được hưởng lợi, ước tính chi phí thực hiện đổi mới, tác động của việc đổi mới đến nền giáo dục ở các bậc học, lợi ích vật chất và phi vật chất được tạo ra....