Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần nghe đến các từ Thần, Phật, Thánh hay từng một lần đến chùa cầu Phật. Vậy Thần, Phật, Thánh là ai? Họ khác nhau như thế nào? Ai mạnh hơn ai? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về Thần:
1.1. Thần là ai?
Thần là những người mà khi sống họ có đạo đức, có công lao lớn với xã hội, và đến lúc chết được phong làm một chức quan nhất định, chuyên làm một nhiệm vụ nhất định. Người phong chức cho họ có thể là hoàng đế của các triều đại, nhân dân quanh vùng, Diêm Vương hay Ngọc Hoàng Đại Đế. Các vị thần có mặt ở khắp nơi như thần núi, thần biển, thần sông; mỗi vùng đất đều có thần thổ công; mỗi thôn làng đều có thần thành hoàng…
1.2. Tương truyền về Thần:
Trong nhân gian xưa nay cũng có nhiều câu chuyện được lưu truyền rằng con người lúc sống có đạo đức đến khi chết được phong chức quan, danh vị. Chằng hạn như người lúc sống làm quan thanh liêm xét xử công bằng khi chết được Diêm Vương bổ nhiệm làm phán quan chuyên xét xử công tội của các chúng sinh trong các địa ngục nhỏ; hoặc có người lúc sống làm quan có tài đức khi chết được làm thần thành hoàng chuyên cai quản một vùng nhất định.
Nhiều trường hợp một người sau khi chết đi, do nghiệp báo nào đó mà không đi đầu thai ngay, vong hồn của họ ở một trạng thái tự do không bị ràng buộc, có thể tự do làm điều mình thích, có năng lực thần thông trong một giới hạn nào đó, những người như vậy thì được gọi là quỷ thần (có thể gọi là quỷ hoặc là thần); thời gian họ làm quỷ thần cũng không có giới hạn nhất định, có thể một vài tháng cũng có thể lên đến vài ngàn năm.
Ngoài ra cũng có trường hợp con vật do sống quá lâu, dần dần trí tuệ phát triển hơn người và biết tu luyện và có thần thông, đây cũng được tính là một vị yêu thần mà nhân gian thường gọi là yêu.
Do đó có thể nói thần cũng có thần tốt và thần xấu, tức nói cách khác là thiện thần và ác thần. Đặc biệt là các vị thần đều nhớ các kí ức khi còn làm người của chính mình chứ không bị mất đi giống như khi đầu thai. Thần có tuổi thọ rất lâu nhưng vẫn có sinh tử.
2. Tìm hiểu về Phật:
2.1. Phật là ai?
Phật là vị Chánh Đẳng Chánh Giác đã đạt đến sự tinh khiết và hoàn thiện trong trí tuệ và đạo đức. Người đó đã thông qua nỗ lực của bản thân trong việc thực hiện các pháp Ba-la-mật ở rất nhiều kiếp sống đồng thời có được tâm trí hoàn toàn không còn vô minh – gốc rễ gây ra sinh tử. Đó là người có một trí tuệ vĩ đại nhất cùng với sự từ bi vô hạn với tất cả mọi chúng sinh khác, không phân biệt đối tượng. Sự giác ngộ của người ấy có tính chất siêu nhiên, theo Phật giáo thì nó không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ được mà chỉ có thể hiểu hoàn toàn khi đã trải nghiệm nó.
Những chúng sinh đang trên con đường để trở thành một vị Phật, chuyên tâm thực hiện các hạnh Ba-la-mật, phát tâm từ bi được gọi là Bồ Tát. Khi thành Phật, không chỉ về mặt trí tuệ và đức hạnh mà còn toàn diện về mặt hình thể Ba mươi hai tốt tướng – Tám mươi vẻ đẹp vô cùng thanh tịnh, tuy nhiên Phật toàn giác không toàn năng.
2.2. Tương truyền về Phật
Có nhiều Phật nhưng từ phật này thường để chỉ một vị Phật trong lịch sử tên là “Thích Ca Mâu Ni” bởi người là một trong những người đã mở đường cho Phật giáo, là một nhân vật có thật đã truyền bá tư tưởng của mình ở lục địa Ấn Độ vào thế kỷ 5 trước công nguyên, và những giáo lý ấy đã được làm nền tảng để khai sinh ra Phật giáo. Thích Ca Mâu Ni được xem là vị Phật duy nhất trên trái đất
Tuy nhiên, nếu xét rộng ra toàn vũ trụ, xét cả quá khứ – tương lai thì ngoài Ngài ra vẫn còn có vô số vị Phật khác nữa, chỉ là họ tồn tại ở các thế giới khác hoặc ở những thời điểm khác mà thôi: nhiều vị đã đắc đạo ở quá khứ, nhiều vị đang sống trong hiện tại (ở những thế giới khác) và nhiều vị sẽ đắc đạo ở tương lai.
Truyền thuyết về Phật Thích Ca Mâu Ni
Hơn hai mươi lăm thế kỷ về trước, ở thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) phía Bắc miền Trung Ấn Độ, trong cung của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã sinh ra được một vị Thái tử tên Tất-đạt-đa (Siddhartha). Khi lớn lên, trong một dịp Thái tử đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến sự sinh – lão – bệnh – tử của kiếp người, khiến Ngài đau đớn xót xa cô cùng. Sau đó, Ngài quyết định từ bỏ cuộc đời chốn hoàng cung, dấn thân vào rừng núi để tìm ra con đường giải thoát sinh tử.
Trải qua mười một năm học đạo và khổ tu, bốn mươi chín ngày tọa thiền dưới cội bồ-đề, Ngài bỗng nhiên hoàn toàn giác ngộ trở thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Từ đây, Ngài thấy rõ điều manh nha lôi cuốn con người lăn trôi trong dòng sanh tử và biết tột cùng con đường giải thoát nó. Nói cách khác, Ngài hiểu rõ nguyên nhân và thành quả của sanh tử, biết rõ nguyên nhân và thành quả của giải thoát sanh tử, đồng thời Ngài cũng biết rõ sự sanh thành và hoại diệt của mọi sự vật. Cũng gọi sự giác ngộ ấy là “Trí biết tất cả loại” (Nhất thiết chủng trí).Chính trí tuệ này, Ngài đã được viên mãn và cũng đem nó giáo hóa chúng sanh khiến tất cả đều được viên mãn, nên gọi là Phật.
Ý nghĩa của Phật
Phật giúp con người hiểu được nguyên nhân đưa con người vào đường sanh tử và manh mối giải thoát sanh tử một cách rõ ràng, là mười hai nhân duyên: vô minh duyên hành… cho đến sanh duyên lão tử. Đây là vòng tròn nối tiếp triền miên trong sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử, tức là: vô minh diệt thì hành diệt… cho đến sanh diệt thì lão tử diệt. Thế là vòng sanh tử rã rời. Nhìn vào mười hai nhân duyên, chúng ta thấy vô minh là chủ động cuộc sanh tử, tiêu diệt vô minh là giải thoát sanh tử. Thế thì, vô minh là đầu mối sanh tử, tiêu diệt vô minh là đầu mối giải thoát sanh tử. Đầu mối còn thì chi mạt ngọn ngành tiếp nối sanh trưởng, đầu mối diệt thì chi mạt ngọn ngành theo đó hết sạch.
Vô minh là gì mà có khả năng mãnh liệt như thế? Vô minh là không sáng, là mê lầm. Ngay nơi cuộc sống này, mà không biết cái nào là giả dối, không nhận ra cái nào là chân thật, là vô minh. Giả không biết, thật không hay, quả tang là kẻ mê lầm. Đức Phật biết được rõ những cái nào là giả dối, nhận chân cái chân thật, nên gọi là Người Giác Ngộ. Được giác ngộ thì không còn vô minh, nên giải thoát sanh tử, đồng thời cũng có đầy đủ mọi diệu dụng mà người đời không thể biết hết, nên nói “giải thoát bất tư nghì”. Thế là, Ngài đã đạt được bản hoài trước khi phát nguyện đi tu. Cũng chính là cái thành quả viên mãn của bao nhiêu năm Ngài khổ công đeo đuổi.
Bên cạnh đó, phật giới thiệu bao nhiêu bản nguyện công hạnh của chư Phật khắp mười phương cho đồ đệ nghe. Do đó, chúng ta được biết thêm nhiều danh hiệu chư Phật khác.
3. Tìm hiểu về Thánh:
Thánh là bậc siêu phàm, vượt xa sự tầm thường của con người, có đạo đức, trí tuệ và tư tưởng vượt trên cả thần và tiên.
Phật giáo chia quả thánh làm bốn cấp độ gọi là tứ thánh quả bao gồm sơ quả Tu-đà-hoàn, nhị quả Tư-đà-hàm, tam quả A-na-hàm, tứ quả A-la-hán. Trong đó A-la-hán là bậc thánh đã thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt cảnh giới niết bàn. Ba quả còn lại là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm tuy chưa hoàn toàn thoát ly khỏi sinh tử luân hồi nhưng cũng không thể bị đọa vào ba đường ác (tam ác đạo) là súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.
Thánh có thể có sáu loại thần thông (lục thông) như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, thần cảnh thông, lậu tận thông. Phật Thích Ca là vị đại thánh có đủ mười danh hiệu: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ – Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
4. Thần, Phật, Thánh khác nhau như thế nào? Ai mạnh hơn ai?
Từ những sự hiểu biết trên chúng ta thấy rằng Thần, Phật, Thánh đều là những danh vị của những người có đạo đức và trí tuệ nhưng họ cũng có những sự khác nhau:
Thần là những người mà khi sống có công lao lớn với xã hội, lúc chết được người khác có chức danh hay dân làng phong làm một chức quan nhất định, chuyên làm một nhiệm vụ nhất định.
Phật là những người từng trải qua sự khổ luyện để giác ngộ những manh mối sinh tử của loài người và sau khi đã được viên mãn thì Phật có ý nghĩa trách nhiệm đem sự hiểu biết mà mình đã giác ngộ đi giáo hóa chúng sanh.
Thánh là bậc siêu phàm, vượt xa sự tầm thường của con người, có đạo đức, trí tuệ và tư tưởng vượt trên cả thần và tiên và có 6 loại thần thông
Trong Thần, Phật, Thánh thì Thánh, xét về trí tuệ siêu phàm, phép thần thông thì Thánh được xem là người mạnh nhất. Tuy nhiên khi xét trên góc độ về sự khổ luyện để giác ngộ và sự giáo hóa chúng sanh thì Phật được xem là mạnh hơn cả.