Mục lục bài viết
1. Đền Hùng ở đâu?
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh, là biểu hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng có công dựng nước.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nằm ở thôn Cổ tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được Bộ văn hóa Thể Thao và Du Lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt, bởi đây là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước – Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
Theo tương truyền rằng, nước Việt Nam trải qua 18 đời Vua Hùng. Trong cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư, từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) thì nhà nước trị vì bởi các vua Hùng kéo dài hơn 2600 năm.
2. Kiến trúc Đền Hùng:
Cổng đền
Cổng đền được xây dựng khá công phu và tinh xảo vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Kiến trúc vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.
Đền Hạ
Đền Hạ được xây dựng theo kiểu kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.
Đền Trung
Để đến được Ðền Trung thì từ đền Hạ, du khách phải leo thêm 168 bậc, Đền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là “Hùng Vương Tổ Miếu”. Theo như kể lại thì Đền Trung là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng và các vị văn võ bá quan du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây cũng đánh dấu việc vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu – người con hiếu thảo, biết lo nghĩ cho nhân dân vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.
Đền Thượng
Được đặt trên đỉnh núi, Đền Thượng là nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong cho mùa mang tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Khi vào đền, trước cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triệu tổ” (tổ tiên của người Việt phương Nam). Tấm văn bia Hùng Vương từ khảo được tạc bằng đá xanh, gắn trên tường quan cư ở bên trái đền Thượng, vốn đã bị đánh cắp vào khoảng 10 năm sau khi xuất hiện, chỉ còn lại chân bia. Vào năm 2010, bia được khôi phục.
Lăng Hùng Vương
Tương truyền rằng, Lăng Hùng Vương là mộ của Vua Hùng đời thứ sáu. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xa xưa đây chỉ là một phần mộ đất, sau đó vào thời niên hiệu Tự Đức năm thứ 27 (1870) đã cho xây mộ dựng lăng. Lăng có hình dáng là hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá.
Đền Giếng
Ngôi đền được xây dựng theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung. Theo như kể lại rằng, đền Giếng là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai người có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được người dân nơi đây lập đền thờ phụng muôn đời để tưởng nhớ công lao.
Đền Tổ Mẫu Âu Cơ
Đền được xây theo kiến trúc cổ xưa, truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh.
3. Lễ hội Đền Hùng:
Đã là con Rồng cháu Tiên thì không thể quên được ngày lễ lớn của đất nước, bởi ngay từ bé đã thuộc vanh vách hai câu thơ: ” Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3″. Lễ hội Đền Hùng chính thức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, luôn luôn được người dân cả nước hướng về. Lễ hội được tổ chức rất linh đình, tôn nghiêm và trang trọng, được sự quan tâm lớn của chính quyền cấp trung ương. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… được tổ chức nhằm giúp chúng ta tìm về cội nguồn. Ngày nay, các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn tồn tại là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội.
4. Kinh nghiệm tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương:
Hướng dẫn đi lại
Để chuẩn bị cho chuyến thăm quan của mình, quý khách thập phương có thể di chuyển vào đền Hùng theo những cách thức sau đây:
Từ Hà Nội tới Phú Thọ và di chuyển đến Đền Hùng thì có 3 tuyến đường đi cho các bạn lựa chọn:
Thứ nhất, du khách có thể di chuyển theo hướng từ đường Phạm Văn Đồng chuyển hướng ra Nam Thăng Long đi qua Vĩnh Phúc đến Việt Trì (Phú Thọ) rồi tới Đền Hùng, hoặc đi đường quốc lộ 32 bắt đầu từ Hồ Tùng Mậu ( Cầu Giấy) qua Sơn Tây sau đó về Phú Thọ. Hai quãng đường này chỉ dao động trong khoảng 86 – 88km.
Tuy nhiên, để tránh tắc đường trong nội thành Hà Nội, quan khách có thể bắt đầu lăn bánh đi vào đại lộ Thăng Long lên Sơn Tây rồi men theo Quốc lộ 32 rồi về Phú Thọ rồi Đền Hùng. Tuyến đường này có thể xa hơn một chút nhưng dễ đi cũng là lựa chọn tốt nhất cho các gia đình.
Thời gian
Lễ hội đền Hùng chắc chắn sẽ rất đông nên bạn hãy chủ động thời gian đi thật sớm. Theo người dân ở Việt Trì cho biết, những ngày cận kề và chính hội đền Hùng (khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch), các ngả đường và những lối dẫn đến các đền đều chật cứng người nên bạn càng đi sớm thì đường càng thông thoáng hơn.
Trang phục, chú ý an toàn khi tham gia lễ hội
Mọi người cần chuẩn bị những bộ trang phục trang trọng, lịch sự khi đi lễ Đền Hùng là điều vô cùng cần thiết. Hơn nữa, với mục đích đến thăm và làm lễ dâng hương với những vị tiên tổ của dân tộc, việc ăn mặc kín đáo để đảm bảo thuần phong mỹ tục đồng thời bày tỏ sự tôn trọng của mình với ngôi đền linh thiêng. Không chỉ vậy, khu di tích rất rộng với các đền thờ khác nhau, nếu bạn muốn đi thăm quan được hết nơi đây thì việc đi giày đế thấp, giày thể thao đế mềm sẽ giúp cho việc di chuyển dễ dàng, thuận tiện hơn.
Dâng lễ
Việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh của mỗi người. Ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, mọi người cũng có thể dâng hương hoa hay lễ mặn là xôi – gà…Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ.
5. Văn khấn Đền Hùng:
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Kính lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, Thánh hiền.
Lạy các Vua Hùng linh thiêng, Gây dựng đất này Tiên tổ.
Con tên là địa chỉ
Nhân ngày Giỗ tổ con xin gửi đến đấng bề trên chút hương hoa lễ phẩm thể hiện lòng thành của gia đình con đến các Vua Hùng và các bậc tổ tiên.
Kính xin độ trì phù hộ,
Mọi chuyện tốt lành bình an.
Bách bệnh giảm trừ tiêu tan,
Điều lành mang đến vẹn toàn. Điều dữ mang đi, yên ổn.
Đi đến nơi, về đến chốn,
Tai qua nạn khỏi tháng ngày
Cầu được ước thấy, gặp may, mọi điều hanh thông, thuận lợi.
Con cái học hành tấn tới, ngoan ngoãn nghe lời mẹ cha, thi đỗ lớp gần, trường xa, mát mặt gia đình làng nước.
Tình duyên gặp người kiếp trước, ý trung nhân xứng muôn phần.
Tình xa duyên thắm như gần, suốt đời yêu thương nhất mực.
Đi làm… thăng quan tiến chức, buôn bán một vốn bốn lời.
Hạnh phúc thanh thản một đời.
Nam mô a di đà Phật!
Kính lạy cao xanh Trời đất, Lạy các Vua Hùng linh thiêng. Đức Thánh Trần cõi người hiền, Muôn đời độ trì phù hộ!
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)