Kế thừa và phát huy những truyền thống dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước ta. Vậy cùng tìm hiểu Vì sao chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
- 2 2. Vì sao chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
- 3 3. Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta:
- 3.1 3.1. Truyền thống yêu nước:
- 3.2 3.2. Truyền thống đoàn kết:
- 3.3 3.3. Truyền thông nhân nghĩa:
- 3.4 3.4. Truyền thống cần cù lao động:
- 3.5 3.5. Truyền thống tôn sư trọng đạo:
- 3.6 3.6. Truyền thống hiếu thảo:
- 3.7 3.7. Truyền thống hiếu học:
- 3.8 3.8. Các truyền thống về văn hoá ứng xử:
- 3.9 3.9. Các truyền thông về nghệ thuật:
- 3.10 3.10. Những nghề truyền thống:
- 4 4. Trách nhiệm của công dân – học sinh trong việc kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
1. Thế nào là truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
Truyền thống được hiểu đơn giản là những giá trị được xét trên cả hai mặt xã hội và văn hóa, được giữ gìn và biểu hiện trong suốt thời gian dài, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tính kế thừa của lịch sử là biểu hiện đặc trưng của truyền thống.
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tổng hợp những giá trị tinh thần (hệ tư tưởng, văn hóa, chính trị xã hội, tính cách, lối sống, cách ứng xử…) tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mỗi dân tộc đều có một nét đẹp, một truyền thống riêng.
2. Vì sao chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là bảo vệ, giữ gìn để các truyền thống đó không bị phai nhạt theo thời gian, mà ngày càng phát triển phong phú hơn, sâu đậm hơn. Kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc sở dĩ vì:
Thứ nhất, mỗi truyền thống ấy là kết tinh của biết bao nhiêu sức lao động, trí tuệ của ông cha ta, những thế hệ trước trong chiều dài thời gian đằng đẵng. Trải qua biết bao nhiêu cuộc xâm lược và hủy diệt của kẻ thù, dân tộc ta vẫn gìn giữ lấy nó. Việc kế thừa và phát huy các truyền thống tốt đẹp chính là thể hiện sự biết ơn sâu sắc của con người đối với lớp lớp cha ông đã dày công bồi đắp các giá trị ấy và để lại cho chúng ta thừa hưởng.
Thứ hai, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là nền tảng hình thành phẩm chất mỗi cá nhân. Các truyền thống ấy trở thành tấm gương tạo dựng thói quen sống, suy nghĩ tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người để họ sống tốt, có ích hơn cho xã hội, cho đất nước. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của dân tộc, đối với tương lai đất nước.
Thứ ba, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. Một dân tộc không có bản sắc văn hóa riêng sẽ không thể nào phát triển đến tương lai. Ai cũng có quyền lựa chọn một lối sống riêng, một văn hóa riêng nhưng không nên đánh mất đi nguồn gốc của mình dù nó như thế nào, đánh mất văn hóa là đánh mất tất cả, là nguy cơ mất nước. Dân tộc ấy sẽ sớm bị thôn tính hoặc đồng hóa bởi các nền văn hóa khác. Con người sống không có văn hóa không thể hòa hợp với xã hội và không thể thành công. Hơn thế nữa, việc lưu giữ những truyền thống văn hóa đặc trưng sẽ là thu hút những du khách và bạn bè quốc tế ghé thăm, tạo sự phát triền kinh tế, giao lưu, hội nhập quốc tế.
3. Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta:
Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp đáng tự hào và cần giữ gìn, phát huy:
3.1. Truyền thống yêu nước:
Là một nước nông nghiệp nên ngay từ xa xưa người dân Việt Nam đã được tiếp xúc với những món ăn thấm đẫm vùng miền, những lời ru, câu hát giàu tình cảm và lời ca về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. Lòng yêu nước được hun đúc và phát huy suốt trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương, bảo vệ đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sống vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
3.2. Truyền thống đoàn kết:
Trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước từ xưa cho đến nay đã hình thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam gắn bó keo sơn, một lòng yêu nước nồng nàn tạo nên sức mạnh vô địch, giúp dân tộc ta đánh thắng các cuộc xâm lược của những đội quân hùng mạnh nhất, lập nên những kì tích vẻ vang, giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
3.3. Truyền thông nhân nghĩa:
Nhân nghĩa là lòng thương người và sự đối xử với người theo điều phải, là tình cảm, thái độ, việc làm đúng đắn. Có thể thấy từ xưa, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhân dân vì nhân nghĩa mà đánh giặc cứu nước, kẻ thù bị đánh bại, ta mở lòng hiếu sinh, nhân nghĩa mà không giết hại, mưu cầu hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình. Đến khi đất nước hòa bình, ta chăm lo dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không tham vọng xâm lấn các dân tộc khác. Những lúc khó khăn, có công có việc người ta đến với nhau vì tình chứ không phải vì vật chất, nên trong văn hoá ứng xử, người Việt rất coi trọng tinh thần, đặt tinh thần lên hàng đầu.
3.4. Truyền thống cần cù lao động:
Trải qua bao đời, ý thức đề cao lao động, chống thói lời biếng đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt Nam. Người Việt Nam ta chú trọng giáo dục, động viên, giúp đỡ nhau trong sản xuất, làm cho tấc đất có thể trở thành tấc vàng, quan niệm: “Năng nhặt chặt bị, Kiến tha lâu đầy tổ, Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu, Nhàn cư vi bất thiện…”
3.5. Truyền thống tôn sư trọng đạo:
Có thể nói, người thầy là chủ thể có vai trò quyết định trong việc giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam, trong việc đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. nhân dân ta quan niệm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy; có thờ thầy mới được làm thầy. Kẻ không biết kính trọng thầy thì mang tiếng ngàn đời.
3.6. Truyền thống hiếu thảo:
Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đặt chữ “hiếu” làm cốt lõi phát triển của một con người. Bố mẹ hiếu thảo với ông bà, con cái nhìn vào đó cũng lấy điều đó làm gương mà trở thành một người sống có tình nghĩa và giàu lòng nhân ái. Đây chính là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
3.7. Truyền thống hiếu học:
Lịch sử dân tộc đã từng biết đến rất nhiều tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh,… và rất nhiều ông đồ Nghệ – những người đã làm nên cốt cách Hồng Lam… Cùng không ít dòng họ hiếu học trên khắp mọi miền đất nước…
3.8. Các truyền thống về văn hoá ứng xử:
Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề giao tiếp. Người Việt Nam do thiên về tình hơn về lý nên khi giao tiếp con người luôn đề cao vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ để đảm bảo cho sự đoàn kết nhất trí, cho cuộc sống vui vẻ hài hoà. Vì vậy ca dao Việt Nam có câu:
“Lời nói chăng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’
Đạo lý của nhân dân ta trong giao tiếp ứng xử là:
- Quan hệ trên dưới tôn kính.
- Quan hệ cha con chí hiếu.
- Quan hệ vợ chồng ân tình.
- Quan hệ anh em thuận hoà.
- Quan hệ bạn bè tình nghĩa.
3.9. Các truyền thông về nghệ thuật:
Có thể kể đến như nghệ thuật chèo, tường, cải lương, múa rối nước, quan họ, ca trù, hát xẩm, các làn điệu dân ca…
3.10. Những nghề truyền thống:
Ở Việt Nam ta có rất nhiều làng nghề nổi tiếng về: nghề ươm tơ dệt lụa, nghề đúc đồng, nghề thêu, nghề khảm trai…
4. Trách nhiệm của công dân – học sinh trong việc kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
Tôn trọng, giữ gìn, kế thừa và phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc là trách nhiệm của mỗi công dân.
Là thế hệ thanh niên, những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải tích cực học tập tri thức, trở thành người hiểu biết, rèn luyện nhân cách nhân phẩm tốt đẹp. Có tri thức, có nhân cách tốt đẹp mới biết quý trọng, kế thừa và gìn giữ các truyền thống quý báu của cha ông.
Tích cực tìm hiểu, sưu tầm các tài liệu về truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Tìm hiểu lịch sử đấu tranh của dân tộc, trân trọng, tự hào các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Tích cực tham gia những lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, thăm quan các di tích lịch sử, giữ gìn và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa dân tộc, các loại hình nghệ thuật truyền thống, tác phẩm nghệ thuật, món ăn truyền thống. Bằng những hành động cụ thể, thanh niên cần tự hào giới thiệu những nét đẹp ấy đến cộng đồng và bạn bè thế giới biết đến.
Sống và ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Tưởng nhớ công ơn của cha mẹ. Luôn đoàn kết, yêu thương nhau giữa anh em bạn bè. Luôn hiếu thảo với ông bà, nghe lời cha mẹ.
Lên án, bài trừ những hành vi gây ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc của học sinh: ăn mặc không đúng quy cách, ăn nói sử dụng từ mượn bừa bãi, tham gia vào các tệ nạn xã hội.