Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, thuốc lá điện tử ra đời bên cạnh thuốc lá truyền thống, và hiện nay được sử dụng ở mức độ báo động nhờ những quảng cáo và sự truyền bá sai lệch của các tập đoàn thuốc lá.
Mục lục bài viết
1. Vậy thuốc lá điện tử là gì?
Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, có chứa chất lỏng bên trong (còn gọi là tinh dầu chứa hương liệu và các chất phụ gia) và dùng điện để đốt cháy chất lỏng đó thành một luồng khói có hương thơm và có chứa chất nicotine để người sử dụng hít vào.
Những sản phẩm này có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, cũng như có nhiều tên gọi khác nhau, điều này thường khiến người khác khó hiểu chúng là gì.
Trên thị trường hiện nay, có vô số những loại thuốc lá điện tử, có thể kể đến Vape, Pod System hay IQOS.
2. Cấu tạo thuốc lá điện tử:
Có thể thấy, kết cấu chung bao gồm: pin, bộ đốt, nơi chứa dịch lỏng và phần ngậm hút. Trong đó:
Dịch lỏng trong thuốc lá điện tử thường chứa các hợp chất hóa học propylene glycol, glycerin thực vật, nicotine và hương liệu. Riêng Nicotine- một chất chính trong thuốc lá thông thường, là một loại chất gây nghiện được biết đến nhiều nhất. Hàm lượng nicotine thực tế trong các sản phẩm này có thể khác với nội dung được ghi trên nhãn. Các sản phẩm được dán nhãn là không có nicotine cũng có thể có nicotine. Những người trẻ bắt đầu nghiện nicotine với thuốc lá điện tử có nhiều khả năng tiếp tục sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác. Vậy nên, thông tin dùng thuốc lá điện tử không gây nghiện hay dùng thuốc lá điện tử để cai nghiện không đúng sự thật.
Về hương liệu trong dịch lỏng của thuốc, là thành phần chính tạo nên hương thơm, một điểm nổi trội hơn so với thuốc lá truyền thống, thu hút giới trẻ sử dụng. Tuy nhiên, không chắc chắn rằng chúng giống nhãn mác quảng cáo vì nhiều hương liệu có thể ăn nhưng gây kích ứng phổi hoặc hàm lượng vượt quá mức cho phép gây ngộ độc, tác hại đến sức khỏe người sử dụng lẫn người xung quanh.
Pin của thuốc lá điện tử được chế tạo dưới nhiều dạng khác nhau, có loại dùng sạc có loại không, phổ biến nhất là pin ở dạng Lithium-ion.
Bộ đốt có công dụng làm nóng và kích thích quá trình bay hơi của dung dịch để trộn lẫn các chất, tạo ra luồng khí cho người sử dụng hít vào thông qua phần ngậm hút
3. Tác hại của thuốc lá điện tử:
Tác hại đầu tiên và lớn nhất là gây hại cho sức khỏe:
Ngay từ cấu tạo của thuốc lá điện tử đã thấy có chất Nicotine- một chất gây nghiện mạnh, làm tăng nhịp tim, mức hô hấp, huyết áp, kích thích khu vực khoái cảm của não làm tăng cảm giác hưng phấn. Từ đó ra các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, hay đau đầu chóng mặt cản trở máu lưu thông lên não, tăng khuynh hướng đông máu dẫn đến các bệnh như xơ vữa động mạch phì đại động mạch chủ, gây các bệnh về hệ tiêu hóa,… Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nếu mẹ bầu hút thuốc lá hoặc ở trong môi trường khói thuốc quá nhiều, nicotine có thể gây những tác hại như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, khó thở hoặc ho khan, rối loạn chức năng hô hấp. Ngoài ra, em bé trong bụng mẹ khi trưởng thành sẽ mắc phải các khuyết tật về hành vi thần kinh và vô sinh. Ngoài ra, theo nhiều khuyến cáo, trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất gây ung thư và các vật chất cắm sâu vào phổi.
Việc sử dụng pin và các thiết bị điện tử để nung nóng dịch lỏng có thể gây ra cháy nổ, dẫn đến những thương tích nghiêm trọng.
Các chất lỏng để trong thiết bị nhỏ có thể bị văng ra ngoài, một số trường hợp bị vào mắt, da, hay bị ngộ độc khi con người nuốt, hít vào.
Thứ hai, hút thuốc lá điện tử, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên cũng gây ra tình trạng như thuốc lá truyền thống như tính tình cộc cằn, nông nổi, dễ cáu giận, kích động hơn. Từ đó có thể dẫn đến các tệ nạn do không kiểm soát được bản thân như trộm cướp, cờ bạc, hành hung thậm chí giết người,…
Tuy thuốc lá điện tử “ít” khói ra môi trường hơn nhưng còn có những các chất độc hại của thuốc lá điện tử như kim loại, nicotine, các loại axit… khi con người xả thải chúng.
Mặc dù, so với thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử được tuyền truyền là “an toàn” hơn nhưng những tác hại của nó vẫn hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng bản thân người hút, mà còn những người xung quanh hít phải, những thế hệ sau này, làm tổn hại đến lối sống lành mạnh của tất cả mọi người.
4. Tại sao ngày nay hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử nhiều như vậy?
Ngoài nguyên nhân do không nhận thức được tác hại, tin theo lời quảng cáo của các tập đoàn thuốc lá thì phần lớn thanh thiếu niên dù biết tác hại vẫn sử dụng do nghèo đói, khó khăn và stress. Việc nghèo đói khó khăn không đồng nghĩa với việc hút thuốc tuy nhiên, đối với những người không có công việc, sống lay lắt, nghèo đói, người vì áp lực quá dẫn đến stress mà tìm đến thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử hết sức đa dạng về hình dáng, màu sắc, mùi hương,… khiến thuốc lá dễ dàng đánh lừa thị giác cũng như nhận thức của người xung quanh và bản thân người hút.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử. Việc mua bán, kinh doanh mua bán thuốc lá nói chung được coi là một ngành kinh doanh có điều kiện. Điều này không hoàn toàn kiểm soát được việc lưu thông, sử dụng thuốc lá.
Cùng với đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, thuốc lá điện tử được tối ưu hóa cũng như việc tràn lan trên mạng xã hội diễn ra với tốc độ chóng mặt.
5. Cần làm gì để thế hệ trẻ tránh xa, hạn chế sử dụng thuốc lá điện tử?
Đối với thế hệ trẻ, đây là lực lượng động đảo, là đối tượng dễ tiếp cận thuốc lá điện tử nhất, có thể do bạn bè lôi kéo, do bản thân chưa nhận thức được tác hại,… Vì vậy cần có sự tham gia tác động từ phía người thân, gia đình, nhà trường, bạn bè.
Gia đình, nhà trường cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe, để ý, giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Một phần là để trẻ suy nghĩ theo hướng tích cực, sẵn sàng chia sẻ, hai là nhận biết những dấu hiệu khi trẻ đang hoặc muốn sử dụng thuốc lá điện tử. Nhiều thanh, thiếu niên qua mặt, lừa dối bố mẹ khi sử dụng thuốc lá điện tử do hính dáng đa dạng như USB, cây bút,.. và mùi hương thơm như vị hoa quả. Những biểu hiện thường thấy khi trẻ hút thuốc lá là lo âu, cáu gắt, tâm trạng thất thường; các hành vi lén lút, giấu giếm, trốn tránh gặp mặt bố mẹ, người thân, thầy cô,…
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường và kiểm tra được trẻ thực sự đang sử dụng thuốc lá thì bố mẹ có thể đưa trẻ tới bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để có những biện pháp chữa trị, cai nghiện. Việc tới bác sĩ tâm lý sẽ giúp phụ huynh tìm hiểu được nguyên nhân cũng như định hướng giải pháp cụ thể tác động đến tâm lý trẻ.
Mặt khác, biện pháp không thể thiếu là cần giáo dục về tác hại của thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá cùng các sản phẩm khác mang tính gây nghiện, có hại cho sức khỏe. Có thể nhiều bạn trẻ biết là thuốc lá có hại nhưng không lường trước được tất cả các hậu quả về mặt sức khỏe, xem nhẹ sức khỏe bản thân.
Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động ngoài trời để tạo lối sống lành mạnh, năng động, tinh thần tích cực, giải tỏa căng thẳng, áp lực cho trẻ, song song là kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của trẻ hiệu quả. Mạng xã hội là kênh thông tin vô cùng phong phú bao gồm cả tích cực và thông tin thiếu lành mạnh.
Nhà trường cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất nguy hại này ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng, các chế tài cùng các giải quyết để tránh sử dụng rộng rãi tại trường học. Môi trường trường học là nơi dễ tác động, thầy cô, bạn bè là tấm gương noi theo. Nên ngay từ thầy cô cũng phải ý thức được mức độ nguy hiểm của thuốc lá điện tử, không sử dụng, không lan truyền tật xấu này.
Pháp luật cần thắt chặt vấn đề mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử hơn nữa- cấm mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá.