Có vô vàn lý do khiến bạn muốn rời bỏ công việc hiện tại, đó có thể là lý do đến từ phía cá nhân bạn hay từ môi trường làm việc. Tuy nhiên, khi xin nghỉ việc bạn cần khéo léo, tế nhị và thuyết phục đưa ra lý do xin nghỉ để được duyệt đơn xin nghỉ sớm mà không gây mất lòng Sếp.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tại sao cần xin nghỉ việc chuyên nghiệp, tế nhị, thuyết phục?
- 2 2. Những lưu ý chung khi xin nghỉ việc:
- 3 3. Cách viết đơn xin nghỉ việc thuyết phục, tinh tế:
- 3.1 3.1. Do hoàn cảnh gia đình:
- 3.2 3.2. Không có cơ hội thăng tiến, phát triển:
- 3.3 3.3. Có kế hoạch khác (kế hoạch sinh nhỏ trong thời gian dài, xin nghỉ việc để đi học):
- 3.4 3.4. Nghỉ việc để giải quyết vấn đề riêng của cá nhân:
- 3.5 3.5. Gặp một số trở ngại bất khả kháng:
- 3.6 3.6. Xin nghỉ việc vì có cơ hội làm việc tốt hơn:
1. Tại sao cần xin nghỉ việc chuyên nghiệp, tế nhị, thuyết phục?
Người lao động cần xin nghỉ việc chuyên nghiệp, tế nhị và thuyết phục bởi vì:
– Về mặt pháp lý: Do 2 bên cùng kí hợp đồng lao động nên cần thủ tục này để người lao động nhận đủ các quyền lợi về lương, trợ cấp và các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm.
– Giữ được tình cảm với sếp và đồng nghiệp cũ: họ là người gắn bó giúp đỡ, chỉ bảo bạn trong công việc trong một thời gian nhất định và có thể sau này họ trở thành đối tác của bạn khi đảm nhận công việc mới.
– Thể hiện sự tôn trọng cũng như tác phong chuyên nghiệp trong công việc.
2. Những lưu ý chung khi xin nghỉ việc:
– Đừng nghỉ việc quá đột ngột.
Mỗi công việc, vị trí đều đòi hỏi kinh nghiệm, trách nhiệm mà không phải người mới nào cũng đảm nhận và làm việc được ngay. Vì thế, hãy nghỉ khi đã có người thay thế vào vị trí của bạn đồng thời, hãy nhiệt tình giúp đỡ, bàn giao lại công việc để người mới dễ dàng tiếp cận được với công việc.
– Nên nói chuyện trực tiếp với người quản lý của mình, sếp của bạn nên là người đầu tiên biết về việc bạn từ chức.
Việc xin nghỉ việc với sếp trực tiếp thể hiện sự tôn trọng với cấp trên. Họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và dễ dàng đồng ý đơn xin nghỉ việc của bạn. Hơn nữa, những người quản lý còn giúp bạn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xin nghỉ việc hơn.
– Trong đơn xin nghỉ việc, bạn cần viết một cách ngắn gọn, trung thực và không nói xấu về công ty và đồng nghiệp; ngôn ngữ viết cần lịch sự, tinh tế.
– Cố gắng hoàn thành công việc được giao, có trách nhiệm với công việc đến ngày cuối cùng, bàn giao trọn vẹn mọi thứ.
3. Cách viết đơn xin nghỉ việc thuyết phục, tinh tế:
Trong từng trường hợp xin nghỉ:
3.1. Do hoàn cảnh gia đình:
Gia đình có người già, trẻ nhỏ cần chăm sóc, bố mẹ mong muốn ở gần con cái hơn, vợ hoặc chồng bị bệnh cần chăm sóc nhiều ngày… khiến người lao động không thể an tâm làm việc ảnh hưởng đến chất lượng công việc, không hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao, từ đó có thể ảnh hưởng công việc chung của tập thể phòng ban, công ty. Đây là một trong những lý do dễ thông cảm nhất.
Ví dụ, bạn có thể viết như sau:
“Trong suốt khoảng thời gian làm việc cho công ty, tôi rất cảm kích Quý Công ty vì đã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôi được hoàn thành tốt các công việc, phát triển kỹ năng nghề nghiệp bản thân và có cơ hội thăng tiến trong công việc. Nhưng vì gia đình neo người, mà bố mẹ tôi ở quê hiện đang lớn tuổi lại đau ốm liên tục nên cần người thường xuyên bên cạnh chăm sóc. Trong thời gian tới, tôi phải chuyển về quê làm việc để tiện thể chăm sóc sức khỏe cha mẹ. Do vậy, tôi không thể tiếp tục công tác tại công ty được nữa. Rất mong Quý Công ty thông cảm và chấp thuận cho đơn xin nghỉ việc của tôi.”
“Nay vì điều kiện hoàn cảnh gia đình nên tôi phải trở về quê để giải quyết công việc gia đình và ổn định cuộc sống. Tôi rất lấy làm tiếc vì không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ được phân công tại Quý Công ty/ Cơ quan. Vì vậy, tôi có nguyện vọng xin nghỉ việc để về quê công tác và sinh sống. Rất mong được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo. Xin chân thành cảm ơn.”
3.2. Không có cơ hội thăng tiến, phát triển:
Vấn đề thăng tiến, phát huy năng lực bản thân có thể do chính sách của công ty hoặc do bất đồng, mâu thuẫn và một số tiêu cực khác trong công ty. Với người lao động, mặc dù nhìn nhận lý do nghỉ việc đến từ phía môi trường làm việc, tuy nhiên cần khéo léo tinh tế trình bày với cấp trên và thuyết phục họ tìm người thay thế mới.
Ví dụ, bạn có thể viết:
“Tôi rất lấy làm vinh dự khi được làm việc tại công ty trong suốt thời gian qua khi đã tạo môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh. Tuy nhiên tôi nhận thấy công việc hiện tại không phù hợp với năng lực bản thân và quyết định xin thôi việc để tìm thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp, phù hợp hơn với chuyên môn và khả năng làm việc của tôi. Kính mong Ban Giám đốc xem xét và chấp thuận đơn xin nghỉ việc này của tôi. Kính chúc công ty sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa và phát triển ngày càng vững mạnh.”
3.3. Có kế hoạch khác (kế hoạch sinh nhỏ trong thời gian dài, xin nghỉ việc để đi học):
Đi học nâng cao trình độ chuyên môn được cho là lý do nghỉ việc chính đáng, hợp lý của nhân viên, rất dễ thuyết phục sếp. Bạn có thể viết như sau:
“Trong tháng tới, tôi dự định sẽ bắt đầu tham gia khóa học …. tại ….. để nâng cao, hoàn thiện hơn kiến thức chuyên môn của mình để tương lai có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Do đó, tôi không thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí ……..tại công ty được. Vì vậy, tôi mong rằng Quý Công ty sẽ chấp thuận đơn xin nghỉ việc của tôi và hỗ trợ, giúp đỡ tôi bàn giao công việc. Tôi xin cảm ơn!”
“Chương trình học bằng Thạc sĩ của em bắt đầu tháng tới, vì vậy em quyết định dừng công tác tại vị trí…. Em rất lấy làm tiếc vì sẽ không còn đồng hành cùng Quý Cơ quan trong khoảng thời gian sắp tới. Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với tất cả những trải nghiệm tuyệt vời tại …….. trong suốt thời gian vừa qua. Nhờ sự giúp đỡ vô cùng nhiệt tình của các anh, chị, khoảng thời gian làm việc tại đây đã và sẽ luôn là nền tảng vững chắc cùng em bước vào chặng đường học tập phía trước.”
3.4. Nghỉ việc để giải quyết vấn đề riêng của cá nhân:
Sức khỏe tốt là điều kiện cơ bản để đảm bảo cho người lao động hoàn thành tốt công việc được giao. Nên nếu gặp vấn đề sức khỏe không mong muốn, cần thời gian và môi trường chữa trị thì người lao động hoàn toàn có thể thẳng thắn trình bày với Sếp:
“Gần đây tôi có gặp vấn đề sức khỏe và được bác sĩ khuyến nghị là cần phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và sắp xếp thời gian điều trị. Để không ảnh hưởng đến công việc chung của công ty, tôi xin phép Ban lãnh đạo công ty cho tôi được nghỉ việc. Tôi xin hứa sẽ bàn giao công việc đầy đủ cho người tiếp nhận cho đến ngày có quyết định nghỉ việc. Kính mong công ty tạo điều kiện và giúp đỡ.Tôi xin cảm ơn!”
Với vấn đề cá nhân như trục trặc gia đình thường người lao động không muốn nêu quá cụ thể và muốn tự giải quyết nên có thể viết khái quát như này:
“Vì một số lý do cá nhân, tôi phải ở nhà trong nhiều tháng tới để giải quyết. Tôi cũng nhận thấy công việc riêng của tôi sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của công ty. Vì vậy, tôi viết đơn xin thôi việc này và rất mong được ban giám đốc chấp thuận.”
3.5. Gặp một số trở ngại bất khả kháng:
Vấn đề khoảng cách đến nơi làm việc quá xa có thể là nguyên nhân xin nghỉ việc:
“Theo kế hoạch của gia đình, trong thời gian sắp tới gia đình tôi sẽ chuyển vào Sài Gòn để sinh sống. Thời gian được làm việc tại Quý Công ty là khoảng thời gian thật sự tuyệt vời và đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm làm việc quý báu. Dù rất tiếc, tôi cũng không thể tiếp tục công tác tại công ty được nữa. Rất mong Ban lãnh đạo thông cảm và chấp thuận cho đơn xin thôi việc của tôi. Tôi kính chúc Quý Công ty ngày càng phát triển thịnh vượng và bền vững.”
3.6. Xin nghỉ việc vì có cơ hội làm việc tốt hơn:
Ai cũng có mong muốn tìm được công việc phù hợp, chế độ đãi ngộ tốt hơn. Vậy nên, người lao động khi tìm được cơ hội làm việc mới tốt hơn có thể thoải mái trình bày, đồng thời không quên cảm ơn với các sếp cùng đồng nghiệp làm việc hiện tại:
“Tôi rất lấy làm tiếc khi không còn làm việc tại Quý Công ty trong thời gian sắp tới. Tôi quyết định nhận vị trí công việc mới để tìm thêm cơ hội phát triển, phù hợp với chuyên môn và khả năng làm việc của bản thân.
Tôi vô cùng cảm ơn Quý Công ty cùng những đồng nghiệp đã tạo điều kiện cho tôi làm việc thời gian vừa qua. Tôi xin chúc cho Công ty chúng ta thời gian tới sẽ đạt được những thành công như mong muốn.”